Bọ xít hút máu nguy hiểm đến thế nào?

Theo TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thì chưa có cơ sở để khẳng định bọ xít hút máu truyền ký sinh trùng sang người

Sau khi phát hiện ổ bọ xít nhất từ trước tới nay với 270 con tại một gia đình ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đến nay việc tiêu diệt ổ bọ xít này đã hoàn thành. Tuy nhiên các nhà sinh vật học vẫn phát hiện bọ xít hút máu người rải rác ở các nhà lân cận làm người dân lo lắng. Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn với Tiến sỹ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam người đang nghiên cứu về loài bọ xít hút máu người này và việc xử lý các ổ bọ xít mới phát hiện.

PV: Thưa ông xin ông cho biết ổ bọ xít mới phát hiện đã được xử lý như thế nào?

TS Trương Xuân Lam đang tìm vết những con bọ xít

TS Trương Xuân Lam:

Sau khi thu các ổ bọ xít này chúng tôi đã tiến hành hướng dẫn người dân và đặc biệt là gia đình có ổ bọ xít tiêu hủy.

Cho đến bây giờ ổ bọ xít này đã được tiêu huỷ hoàn toàn, dùng lửa để đốt tất cả sinh cảnh của bọ xít, dùng thuốc diệt côn trùng phun xung quanh ổ bọ xít với phạm vi 1m đến 1,5m. Cá thể của ổ bọ xít được cán bộ của Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái nuôi để phục vụ công việc nghiên cứu. Diệt ổ bọ xít này làm giảm rất nhiều lượng phát tán của bọ xít hút máu tới các nhà dân.

Trong mấy tuần gần đây chúng tôi điều tra ở Cổ Nhuế thì các khu vực xung quanh có những nhà thu được 2 mẫu, có nhà được 3, 4 mẫu bọ xít trưởng thành. Rất nhiều người dân trong khu vực này đã bị bọ xít đốt.

PV: Thưa ông những người dân bị bọ xít hút máu thì có phải đến cơ sở y tế để khám chữa hay không?

TS Trương Xuân Lam: Một số người dân bị hút máu có thể không biết đã bị bọ xít này đốt. Một số người thì bị đốt nhiều lần và bị đốt khá lâu, để lại những nốt đã lên vết thâm. Một số người bị đốt sưng họ đã đến bệnh viện xin thuốc để chữa. Những người biết bị đốt thì bằng cách này hay cách khác họ đã đến bác sỹ để chữa các vết thương.

Tuy nhiên đến nay những người bị đốt không có ai bị nặng, khi ổ bọ xít này xuất hiện thì họ mới phát hiện ra là bị đốt.

PV: Nhiều người đang lo lắng vì bọ xít hút máu người có thể gây ra căn bệnh chagas và các vấn đề như giảm sức đề kháng khác, ông có khuyến cao gì với người dân trong việc phòng và trị bọ xít?

TS Trương Xuân Lam: Cho đến bây giờ vẫn không có cơ sở nào khẳng định con bọ xít hút máu có thể truyền bệnh chagas.

Chagas là bệnh do ký sinh trùng nội bào trypanosoma cruzi gây nên. Tuy nhiên các bệnh khác có khả năng bọ xít hút máu truyền. Nhưng cho đến bây giờ tất cả các nghiên cứu của Viện cũng chưa có bất cứ cơ sở nào để khẳng định con bọ xít này có thể truyền ký sinh trùng đường máu sang người.

Chúng tôi mới đạt được kết quả là tách các ký sinh trùng đường máu từ trong con bọ xít đang lây nhiễm sang chuột và tất cả các kết quả khác đều chưa có.

Bọ xít  được nuôi trong phòng thí nghiệm

Người dân không nên hoang mang bởi vì không có chứng cứ nào để khẳng định nó có thể truyền sang con người. 4 cơ quan đang tiến hành nghiên cứu đó là: Viện sinh thái tài nguyên, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Thú y và Viện Ký sinh trùng sốt rét Quy Nhơn đang nỗ lực thí nghiệm ký sinh trùng trên con bọ xít. Kết quả nghiên cứu phải đợi một thời gian tương đối dài thì mới có kết luận chính xác là các ký sinh trùng đường máu này có lây nhiễm sang người hay không.

Tôi chỉ khuyến cáo mọi người chú ý dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt vệ sinh ở giường ngủ, chúng ta nên chú ý các khe giường. Để diệt tận gốc, đặc biệt là trứng, ấu trùng bọ xít nếu có ở trong các khe giường thì nên dùng chổi lông để quét sạch khe giường và thu gom các rác này để huỷ.

PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên