Bọ xít hút máu sinh sản nhanh
Việc bọ xít hút máu đẻ trứng nhanh, khỏe cho thấy bọ xít có sự thích nghi với môi trường cao và rất có khả năng đây là “mùa” sinh sản của bọ xít hút máu.
Tiến sỹ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, trong ổ bọ xít hút máu khoảng 270 con được phát hiện mới đây tại Hà Nội, đã có 35 con bọ xít cái trưởng thành đẻ gần 400 trứng. 4 con cái thu nhận được tại Từ Liêm hôm 15/9 vừa mang về Viện cũng đang đẻ trứng.
Theo Tiến sỹ Trương Xuân Lam, việc bọ xít hút máu đẻ trứng nhanh, khỏe cho thấy bọ xít có sự thích nghi với môi trường cao và rất có khả năng đây là “mùa” sinh sản của bọ xít hút máu. Với tần suất đẻ dày đặc, tỷ lệ trứng nở cao, các chuyên gia rất lo ngại mức độ lan rộng của bọ xít hút máu trong các khu dân cư không riêng gì ở Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác.
Tiến sỹ Trương Xuân Lam cho biết: “Ổ bọ xít này độ phát tán lây lan lớn vì các cá thể bọ xít khỏe mạnh có thể phát tán ra xung quanh. Việc tiêu diệt ổ bọ xít vừa qua hạn chế rất nhiều bọ xít phát tán, tấn công hút máu người. Chúng tôi đang tuyên truyền rộng rãi cho người dân ở khu vực đó kiểm tra toàn bộ nhà cửa, nơi ở để xem có các ổ bọ xít khác không. Kết quả, nhiều hộ dân thu được mẫu bọ xít cái, đưa về phòng thí nghiệm. Chúng tôi đang nỗ lực nghiên cứu, khoanh vùng, nếu phát hiện thêm các ổ mới sẽ tiêu diệt ngay”.
Hiện nay, vẫn chưa có có loại thuốc nào thử nghiệm để tiêu diệt bọ xít hút máu ở Việt Nam. Vì vậy, đối với khu vực dân cư phát hiện có loài bọ xít này, Trung tâm Y tế Dự phòng nên sử dụng thuốc khử côn trùng loại mạnh và xử lý môi trường xung quanh. Nếu người dân bị côn trùng lạ đốt nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt (tránh gây xước và viêm nhiễm). Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng./.