Các địa phương khắc phục hậu quả sau bão

Hiện đã có 3 người chết, 6 người mất tích; hàng trăm ha hoa màu bị hư hại…

** Hà Nội thông đường trên tất cả các tuyến phố chính sau bão số 5

Thông tin từ Công ty công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đợt mưa to và gió mạnh do ảnh hưởng của bão số 5 chiều tối 17/8 đã làm 160 cây cổ thụ ven đường bị đổ ngã.

Ngay trong chiều 17/8, thành phố  Hà Nội đã chỉ đạo Công ty công viên cây xanh Hà Nội huy động trên 500 công nhân viên và phương tiện khẩn trương cắt dọn cây xanh bị đổ để đảm bảo giao thông. Đến 5h sáng 18/8, hầu hết các tuyến đường nội thành Hà Nội bị ách tắc do cây đổ chiều qua như đường Lý Thường Kiệt, Lò Đúc, Tràng Thi, Hàng Bông, Phủ Doãn, Hàng Gà, Hàng Chiếu… đã thông trở lại. Sáng 18/8, nhân viên công ty môi trường đô thị tiếp tục quét dọn, làm vệ sinh đường phố.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Công ty công viên cây xanh Hà Nội cho biết, thời gian tiếp theo sẽ tiếp tục kiểm tra định kỳ những cây có khả năng gãy đổ để xử lý.

Xử lý những cây bị đổ trên đường phố Hà Nội

** Hải Phòng không bị thiệt hại nhiều

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng: Trận mưa tối 17/8 tuy lớn nhưng trên toàn thành phố không có thiệt hại về người. Tài sản của nhân dân từ tàu thuyền neo đậu, nhà cửa và hoa màu cơ bản không có thiệt hại nào đáng kể. Bão chỉ gây ngập úng tại một số khu vực trũng và gãy đổ một số cây xanh.

Ông Dương Văn Gắng – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết: “Theo báo cáo, bão số 5 không gây ra thiệt hại trên địa bàn thành phố. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của thành phố, các địa phương đang tích cực phòng chống úng và chủ động mở cống thoát nước và bộ phận chống ngập úng luôn thường trực trong ngày 18 và 19/8. Đặc biệt, sau khi bão tan thì hoàn lưu bão rất có thể xảy ra, nên chúng tôi vẫn tiếp tục trực và ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương vẫn phải trực ban để sẵn sàng khắc phục sự cố”.

Tại huyện đảo Cát Hải, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, sáng 18/8 vẫn có mưa nhỏ, tuy nhiên cuộc sống của người dân huyện đảo đã dần trở lại nhịp độ bình thường và cũng không có thiệt hại nào đáng kể.

** Quảng Ninh không có thiệt hại về người

Tại tỉnh Quảng Ninh, bão số 5 đổ bộ vào đã gây nên mưa lớn kéo dài suốt đêm 17/8. Tại Móng Cái, lượng mưa đo được ước khoảng 158 mm, tại Uông Bí 124mm, Hải Hà 82,7mm, Cửa Ông 82,5mm... Hiện nay, lũ trên các sông: Ka Long, Tiên Yên, Hà Cối, Phố Cũ đang lên tương đối lớn. Theo cảnh báo của ngành chức năng, các địa phương cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

Bão số 5 không gây thiệt hại về người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các sự cố đã được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xử lý. Khu vực cảng Vạn Gia (Móng Cái) có 23 bè nuôi trồng thủy sản bị đứt dây trôi ra phía biển, trên các bè có 41 người. Ngay sau đó đã được lực lượng bộ đội biên phòng đưa và bờ an toàn.

Tại xã Vĩnh Thực có 1 tàu cá đứt neo trôi ra phía biển, những ngư dân trên tàu được cứu an toàn. 23 hộ dân tại các xã Bắc Sơn, Hải Đông nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đã được di chuyển vào nơi an toàn.

Tại thành phố Hạ Long, vào lúc 23h ngày 17/8, một thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu tại tại Cảng Mới, phường Bạch Đằng bị đứt neo trôi ra biển, trên tàu có 4 ngư dân đã được công an đường thủy đưa vào bờ an toàn. Bão số 5 đã làm đổ khoảng 30ha mía, 30ha ngô, 5ha keo cùng cây ăn quả và làm tốc mái một số nhà trên địa bàn huyện Hải Hà.

Các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao có thể xảy ra các hiện tượng sạt lở đất, xâm nhập mặn như các tuyến đê Xuyên Hùng, Đài Chuối, Hà Nứa, Tân Phong; khu vực dễ sạt lở đất cầu Vân Đồn, khu vực Chùa Cái Bầu... đã thực hiện các phương án phòng ngừa, chủ động xử lý kịp thời.

Ngoài việc đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu bè, chuẩn bị các phương án chống sạt lở, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các khu du lịch, các khách sạn, khuyến cáo và chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời để xử lý các tình huống xấu. Tới nay, toàn bộ các khu du lịch như Bãi Cháy, Vân Đồn, Cô Tô… các du khách được đảm bảo an toàn.

** Lũ về gây chia cắt, ngập úng nhiều nơi

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ đêm qua đến sáng nay (18/8), trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được khoảng hơn 100mm. Mưa to kèm theo giông lốc đã làm hơn 20 ngôi nhà của người dân bị tốc mái, 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 100ha lúa bị úng ngập hoàn toàn. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm hàng chục hécta hoa màu bị thiệt hại, 3 cây cột điện hạ thế bị gãy đổ.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ cho biết: “Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, huyện đến kiểm tra hiện trường ngay và chỉ đạo nhân dân, huy động các đoàn thể khắc phục thu dọn, di dời tài sản. Những nhà sập hoàn toàn, chúng tôi tổ chức dựng tạm lại để đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân và sẽ có hỗ trợ sau khi thống kê".

Sáng 18/8, lũ trên thượng nguồn đổ về sông Phó Đáy tỉnh Vĩnh Phúc, mực nước đã lên mức trên báo động 3. Nước lớn làm ngập toàn bộ diện tích hoa màu ven sông và ngập nhiều diện tích lúa tại các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Vĩnh Lạc…

Nước lũ còn làm ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 2C từ Vĩnh Yên đi Tân Trào, Tuyên Quang, đặc biệt đoạn qua huyện Lập Thạch ngập sâu, các phương tiện không đi qua được. Hiện lực lượng chức năng đã bố trí chốt chặn 2 đầu để hướng dẫn xe quay đầu đề phòng nguy hiểm.

Ngay trong sáng nay, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc đã đi kiểm tra thực tế tại huyện Lập Thạch, Tam Đảo để đốc thúc công tác chuẩn bị sơ tán dân, đề phòng tình huống xấu xảy ra.

Tại tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục có mưa, nước tại các sông suối cũng đang lên, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất lớn. Phương châm “4 tại chỗ” là một trong những nội dung quan trọng được tỉnh yêu cầu đối với các địa phương, nhất là với những xã ở vùng sâu, vùng xa.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục cảnh báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ngày hôm nay ở các tỉnh Bắc Bộ, có mưa vừa, mưa to đến rất to. Diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, do vậy các địa phương cần tiếp tục đề phòng, nhất là nguy cơ lũ ống lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.

** Lai Châu đảm bảo thông tin liên lạc

Trước diễn biến của cơn bão số 5, nhằm đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh không bị gián đoạn, Công ty viễn thông Lai Châu đã tập trung kiểm tra các trạm phát sóng.

Công ty đã di dời các trạm BTS ra khỏi các khu vực sạt lở; tăng cường  kiểm soát các tuyến cáp, tuyến cột treo cáp tại các khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét.

Tại các huyện khó khăn như Mường Tè và Sìn Hồ, công ty đã bố trí nhân lực ứng trực 24/24h đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên