Các hoạt động hưởng ứng ngày Glôcôm thế giới

Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức đã tổ chức rất nhiều các hoạt động để hưởng ứng Ngày Glôcôm Thế giới 12/3 (World Glaucoma Day - 2010).

Bệnh viện Mắt Trung ương đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học cho các bác sỹ nhãn khoa khu vực Hà Nội, với nội dung cập nhật những kiến thức và phương pháp mới điều trị bệnh glôcôm vào ngày 6/3 và Mít tinh hưởng ứng Ngày Glôcôm thế giới vào ngày 11/3 cùng với nhiều hoạt động khác như: tư vấn, khám, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền về bệnh glôcôm...

Glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống) đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù loà ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh. Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức và mất thị lực vĩnh viễn không thể hồi phục. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù loà do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên.

Theo số liệu tại Hội nghị phòng chống mù lòa thế giới năm 2008 ở Argentina, nguyên nhân gây mù do bệnh glôcôm chiếm tỷ lệ 10% số người mù thế giới. Theo các nghiên cứu mang tính dự báo trong khu vực và trên thế giới, số lượng bệnh nhân glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới, ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020. Đa số những người mù trên thế giới hiện nay sống ở các nước đang phát triển, đặc biệt trong nhân dân vùng nông thôn, nơi thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt hoặc khó tiếp cận tới các dịch vụ đó.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2007 trên 16 tỉnh, thành ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ mù loà chung chiếm 3,1%, trong đó khoảng 25.000 người mù do bệnh glôcôm, chiếm tỷ lệ 6,5%.

Theo PGS.TS. Đỗ Như Hơn – Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, bên cạnh kiến thức và nhận thức về bệnh glôcôm của người bệnh, vấn đề khám chữa bệnh glôcôm vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở chuyên khoa mắt tuyến tỉnh hầu như chưa được trang bị về các phương tiện cơ bản phục vụ việc chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân glôcôm, không có đủ các loại thuốc glôcôm cho thầy thuốc lựa chọn. Nhiều bác sỹ còn chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về bệnh glôcôm dẫn đến những chỉ định điều trị sai lầm. Do vậy, bệnh nhân mắc bệnh glôcôm nên đi khám định kỳ và theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ để hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên