Cần khai thác sử dụng bền vững vùng biển Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức, việc khai thác sử dụng biển, vùng ven biển và biển đảo Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững và chưa xứng tầm với tiềm năng.  

Sáng 24/3, tại Hà Nội, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Hợp tác khu vực trong quản lý môi trường các biển Đông Á  tổ chức Hội thảo Quản lý tổng hợp vùng bờ tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia đề nghị: Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm phục vụ quản lý tổng hợp dải ven bờ biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với một số Bộ liên quan xây dựng ''Chiến lược và Kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ quốc gia'' để các ngành, địa phương triển khai quản lý hiệu quả. Việt Nam cũng cần xây dựng và ban hành chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tổng hợp vùng bờ.

Hiện nay, các hệ sinh thái biển đang bị suy thoái nhanh. Tại Việt Nam, diện tích rừng ngập mặn giảm mạnh trong vòng 30 năm qua. Đặc biệt, chỉ hơn 15 năm trở lại đây, diện tích các rạn san hô giảm tới gần 20%. Các thảm cỏ biển cũng đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều nơi mất hẳn. Nguồn lợi hải sản giảm nhanh, nhiều vùng biển ven bờ bị ô nhiễm nặng. Cùng với dầu tràn, ô nhiễm từ các hoạt động vận tải trên biển, các nguồn thải từ đất liền đang đe dọa nhiều vùng biển nước ta.

Nguyên nhân phần lớn là do nhận thức và ý thức sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển còn hạn chế; Hệ thống thể chế và pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển còn thiếu, nhiều bất cập…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: Trong những năm qua, hoạt động khai thác, sử dụng biển hải đảo Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế xã hội và có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả to lớn đó, việc khai thác sử dụng biển, vùng ven biển và biển đảo Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững và chưa xứng tầm với tiềm năng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên