Cát vùi ruộng, nguy cơ dân đói

Lũ chồng lũ, hậu quả của nó để lại cho những người dân sống trên dải đất nghèo miền Trung chỉ là cát và cát, ruộng vườn bị xâm lấn không thể sử dụng, người nông dân giờ biết làm chi?

>> Lũ cát tàn phá Xóm CátMưa lũ hoành hành làm 21 người chết và mất tích

Người phụ nữ trẻ đeo chiếc khăn tang trên đầu đang cố đào cát lên để xem lớp đất màu nằm sâu đến mấy. Dừng tay làm, quệt ngang mồ hôi, chị chia sẻ: “Nhà được chia 2 sào đất màu để luân canh trồng đậu xanh, ngô, lạc. Nếu làm quanh năm và chăn nuôi thêm lợn gà cũng xoay xở được miếng ăn. Chừ thì khó rồi. Ruộng đất nằm dưới cát hết cũng khó mà làm chi được...”.

Chị là Nguyễn Thị Lượng, 28 tuổi, nông dân thôn 1- Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), có chồng bị cuốn trôi trong cơn lũ dữ. Một nách 3 con, đứa lớn mới học lớp 3, đứa nhỏ nhất chưa đầy 1 tuổi. Cơn lũ đi qua, không chỉ cướp đi sinh mạng chồng chị mà còn để lại hậu quả nặng nề. Hai sào ruộng nhà chị bị vùi sâu trong cát, toàn bộ hoa mầu bị nước cuốn trôi.

"Ruộng mất, giờ em biết mần răng..."

Đứa lớn đang trông đứa nhỏ ở khoảng ruộng mà bây giờ là cát trắng đang khóc tìm mẹ. Rưng rưng nước mắt, chị Lượng nói: “Gia đình cũng được các cơ quan đoàn thể, bà con trong xóm quan tâm lắm. Nhưng cũng phải tự lo làm mà sống. Hàng đêm em cứ suy nghĩ trong bụng, ước muốn làm sao kiếm được 2 bữa ăn cho con. Nhưng giờ em biết làm cái mần răng…” .

Xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình là địa phương vùng núi, chịu thiệt hại nặng nề sau hai cơn lũ lịch sử vừa qua. Xã có 800 nhà bị ngập nặng, 6 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 34 nhà bị hư hại nặng, 5 người thiệt mạng. Hệ thống kênh mương, đường xá bị lũ phá hủy hoàn toàn. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Tạm gác nỗi mất mát tài sản, lúa gạo trong nhà, nhân dân trong xã vụ mới, lo xa trong cái đói cận kề nhưng không ai còn nhận ra ruộng đất nhà mình nữa. Những mảnh ruộng giờ đã nằm sâu dưới lớp cát trắng.

Theo chân Bí thư xã Nguyễn Hữu Tương, khó khăn lắm chúng tôi mới tới được vùng ruộng bị vùi lấp trong cát. Có những chỗ cát lấp sâu đến 1,5m, không thể phục hồi lại được. Lũ về kéo theo cát trắng, hơn 20ha đất nông nghiệp của xã chìm trong cát. Những mảnh đất màu mỡ trước đây giờ đã biến thành bể cát. Người dân xã Thanh Hóa chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, ngoài ra không có nghề phụ nào khác. Diện tích đất tự nhiên của xã tuy lớn song diện tích đất dành cho trồng trọt lại tương đối hạn chế. Toàn xã có gần 200ha đất trồng, trong đó chủ yếu là trồng mùa. Nay ruộng mất đã mất, người dân biết dựa vào đâu?

Những luống đậu xanh màu mỡ trước đây giờ thành bể cát

Đối với một xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp như Thanh Hóa, nguồn thu của địa phương hầu như có. Thiệt hại 20 tỷ đồng quả là con số quá lớn với một xã nghèo miền núi. Đường xá, kênh mương bị hư hại nặng, không thể sử dụng. Chỉ có sức dân, không có kinh phí, hệ thống thủy lợi khó có thể phục hồi. Như vậy có nghĩa là, không tính đến số ruộng bị cát vùi, kể cả số ruộng có thể sử dụng cũng không có nước để tưới tiêu.

Bí thư xã Nguyễn Hữu Tương trầm ngâm: “Giờ chúng tôi biết hướng dẫn người dân trồng cây gì đây. Đậu xanh, lạc không thể trồng trên đất cát, chúng tôi cũng có ý định chuyển đổi giống cây trồng sang dưa hấu, xong nếu không có nước tưới thì dưa hấu cũng không thể sống nổi. Như vậy, nếu không có sự quan tâm của cấp trên, chắc vụ này thua mất…”.

Không chỉ người dân xã Thanh Hóa, mà còn rất nhiều địa phương khác bị lũ tràn qua hiện vẫn đang phải vật lộn với những hậu quả mà nó để lại. Hàng cứu trợ đến với người dân có thể giúp họ tránh khỏi đói, rét tạm thời, xong về lâu dài, vẫn rất cần một giải pháp cụ thể để có thể giúp họ tái cơ cấu cây trồng an tâm sản xuất, gạt đi những nỗi đau sau lũ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên