Câu hỏi cần được trả lời

Chỉ còn nửa tháng nữa, Luật BHYT mới sẽ có hiệu lực, song vẫn còn những thắc mắc xung quanh chính sách cùng chi trả được áp dụng cho trên 90% người bệnh sử dụng BHYT, cũng như việc tăng mức đóng phí BHYT.

Ai cũng biết rằng, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc cần phải làm mới Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chính là để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH. Tuy nhiên, việc tăng mức đóng BHYT cũng như quy định trên 90% người bệnh tham gia BHYT phải cùng chi trả, trong đó bao gồm cả những đối tượng bảo trợ xã hội như người già neo đơn, trẻ mồ côi và thương binh… không khỏi khiến nhiều người liên hệ tới việc quỹ BHYT luôn bị đe dọa vỡ trong những năm gần đây.

Cần phải có câu trả lời thỏa đáng từ phía những người có trách nhiệm về việc các đối tượng bảo trợ xã hội phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh khi mà thực tế họ không có khả năng. Về lý thuyết, việc cùng chi trả sẽ khiến người bệnh kiểm soát chi phí điều trị, nhưng thực tế họ lại đóng vai trò thứ yếu trong quyết định sử dụng dịch vụ gì, thuốc nào, giá cả ra sao, vì thế vai trò kiểm soát của họ nếu không tạo ra những đảm bảo sẽ không thể hiệu quả. Có thể khẳng định điều này khi mà mới đây chính ông Phạm Lương Sơn, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT đã phải thừa nhận có hiện tượng nâng giá thuốc được BHYT thanh toán nhằm “rút ruột” BHYT.

Dù chưa có một thống kê cụ thể nhưng qua kiểm tra một số địa phương cho thấy một số loại thuốc đặc trị được sử dụng ở bệnh viện do BHYT chi trả đã bị nâng giá lên tới 40-50%. Như vậy, điều đáng quan tâm là ngay bản thân các cơ quan chức năng, cụ thể là cơ quan BHYT cũng chưa thể kiểm soát được chặt chẽ chi phí BHYT dẫn đến khả năng bị thất thoát một khoản tiền không nhỏ, vì vậy, việc cùng chi trả để người bệnh có thể kiểm soát được chi phí điều trị là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Một chính sách muốn đi vào đời sống một cách thuyết phục cần được xây dựng trên những cơ sở khoa học, với những luận điểm rõ ràng, minh bạch và quá trình áp dụng chặt chẽ, hiệu quả. Bảo hiểm là một ngành nghề kinh doanh dịch vụ đặc biệt, sự thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của người sử dụng dịch vụ. Người dân có thể trả phí cao hơn, có thể chia sẻ trách nhiệm chi trả để được hưởng dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, đồng tiền của họ được quản lý như thế nào, cơ quan bảo hiểm có đảm bảo việc quản lý một cách chặt chẽ nguồn kinh phí do người bệnh đóng góp hay không? Cơ quan BHYT cần phải trả lời một cách cặn kẽ những câu hỏi đó!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên