Chủ đầu tư nói gì về sự cố vỡ đường ống nước sông Đà
VOV.VN - Theo nguyên Giám đốc BQLDA đầu tư cấp nước sông Đà – Hà Nội tìm ra nguyên nhân mới có thể quy trách nhiệm thuộc về ai.
Theo dự báo của Sở Xây dựng Hà Nội, do thời tiết mùa hè năm 2014 nắng nóng nên nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng cao, tổng sản lượng nước cung cấp cho thành phố Hà Nội từ 880.000-900.00m3/ngày đêm, nhu cầu nước sạch dự kiến tăng thêm từ 7-10% so với năm 2013.
“Tình hình cấp nước hè năm 2014 sẽ gặp khó khăn nếu tiếp tục xảy ra sự cố đường ống cấp nước sông Đà”, ông Lê Văn Dục- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà |
Từ khi đưa vào sử dụng đến nay đường ống cấp nước sông Đà đã 6 lần bị vỡ. Giải trình các vấn đề liên quan đến chất lượng kỹ thuật của tuyến cấp nước này, ông Hoàng Thế Trung- Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư cấp nước sông Đà – Hà Nội (giai đoạn 5/2005-10/2011) khẳng định tất cả các khâu từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công chủ đầu tư đều thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, yêu cầu kỹ thuật, quy trình thi công và quản lý chất lượng theo quy định của Nghị định Chính phủ về xử lý chất lượng các công trình xây dựng.
Ông Trung cho biết thêm: “Quá trình thực hiện dự án ngoài việc khảo sát thiết kế chung cho toàn bộ dự án, một thuận lợi cho chúng tôi là cùng thời gian đó dự án đường cao tốc Láng- Hòa Lạc đang tổ chức thi công. Với trách nhiệm của chủ đầu tư chúng tôi đã liên hệ với Ban quản lý Dự án Thăng Long-chủ dự án và tư vấn thiết kế là Tổng công ty thiết kế GTVT (TEDI) trên cơ sở tài liệu được cung cấp chúng tôi đã xác định được đoạn nền đất yếu dự án đường Láng- Hòa Lạc phải xử lý”.
Liên quan đến vị trí tuyến ống nằm ở giải phân cách đường gom trái và đường cao tốc trái (theo hướng từ Hà Nội đi Hòa Lạc) phải gia cố, gồm 11 đoạn chiều dài 3.400 m, chủ đầu tư đều có biện pháp xử lý. “Để làm việc này chúng tôi đã thuê khảo sát thêm để xử lý thi công lắp đặt qua các đoạn có nền đất yếu. Giải pháp xử lý thi công trên nền đất yếu được Viện khoa học xây dựng thiết kế, cụ thể với tuyến ống thông thường có chiều dài 12m – chiều dài sử dụng 11,7m nhưng chúng tôi đã không sử dụng loại ống thông thường này thay vào đó là loại ống ngắn hơn từ 2-6m có mối nối 2 gioăng. Sự dụng tổ hợp ống này mục địch để làm tăng độ lệch trục của ống lên 2 độ giúp làm mềm hóa tuyến ống”.
Liên quan đến vấn đề vật liệu ống dẫn nước không đảm bảo kỹ thuật, ông Trung lý giải: “Việc lựa chọn ống có sợi thủy tinh là theo khuyến cáo sử dụng vật liệu cao cấp sản xuất trong nước phù hợp với quy định theo tiêu chuẩn quốc tế trong quy hoạch định hướng cấp nước đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc quyết định chọn sử dụng loại vật liệu đường ống sợi thủy tinh ở thời điểm đó và ngay đến bây giờ, theo tôi là vẫn phù hợp”.
Chia sẻ về nguyên nhân sự cố vỡ đường ống nước, ông Trung nói: “ Đối với một dự án lớn có rất nhiều khâu, nhiều công đoạn vì thế mỗi ý kiến đưa ra cũng có những cảm quan khác nhau về nguyên nhân do thi công có vấn đề hay sử dụng loại ống không đạt yêu cầu. Tất cả những nguyên nhân đó, Tổng Công ty chúng tôi cũng đã nhiều lần họp phân tích nhưng ngay cả chúng tôi với trình độ, khả năng của mình cũng vẫn chưa tìm được nguyên nhân có thể chấp nhận được. Chính vì vậy với vai trò quản lý nhà nước Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu Cục giám định nhà nước về công trình xây dựng chủ trì cùng với Cục Hà tầng kỹ thuật phối hợp khảo sát đánh giá, xác định nguyên nhân gây sự cố vỡ đường ống, hy vọng rằng với trình độ khoa học và công nghệ cao các chuyên gia đầu ngành sẽ tìm được nguyên nhân và giúp chúng tôi biện pháp khắc phục. Và khi tìm được nguyên nhân sẽ biết được trách nhiệm thuộc khâu nào phụ trách thì sẽ phải chịu trách nhiệm”./.