Có cần làm ướt bàn chải trước khi lấy kem đánh răng?
VOV.VN - Có cần làm ướt bàn chải trước khi lấy kem đánh răng hay không là chi tiết nhỏ khiến nhiều người tranh cãi.
Đánh răng hàng ngày là cách bảo vệ răng miệng hiệu quả và đơn giản nhất. Tuy nhiên, cách bạn thực hiện trong quá trình này có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng.
Theo thói quen, nhiều người thường nhúng bàn chải đánh răng vào nước trước khi lấy kem, nhiều người khác thì trực tiếp kem đánh răng lên bàn chải khô. Vậy cách làm nào đúng, đem lại lợi ích cho răng miệng?
Có cần làm ướt bàn chải trước khi cho kem đánh răng?
Đa số mọi người có thói quen cho kem đánh răng lên bàn chải khô rồi mới nhúng vào nước để làm ẩm trước khi đánh. Tuy nhiên, thao tác đầu tiên bạn cần thực hiện là làm ướt bàn chải trước khi cho kem đánh răng. Hành động này tuy nhỏ nhưng cần thiết vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, sau khi làm ướt bàn chải, việc cho kem đánh răng lên sẽ dễ dàng hơn, kem được trải đều hơn, đảm bảo độ bao phủ tốt hơn trên bề mặt răng, nhờ đó nâng cao hiệu quả làm sạch và loại bỏ triệt để mảng bám, mảnh vụn thức ăn.
Thứ hai, lông bàn chải sẽ mềm hơn khi được làm ướt, giảm nguy cơ kích ứng hoặc tổn thương nướu và men răng khi vệ sinh.
Ngoài ra, độ ẩm sẽ kích hoạt các thành phần kem đánh răng, tăng hiệu quả chống lại vi khuẩn và duy trì vệ sinh răng miệng. Bằng cách làm ướt bàn chải trước khi cho kem đánh răng, bạn có thể cải thiện trải nghiệm đánh răng tổng thể và có sức khỏe răng miệng tốt hơn. Đây là một bước đơn giản nhưng có giá trị trong thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày.
Việc đánh răng bằng bàn chải khô có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Lông bàn chải khô dễ mài mòn men răng nhiều hơn. Theo thời gian, điều này khiến răng bị ê buốt và tăng nguy cơ sâu răng.
Đánh răng kiểu như vậy có thể làm mòn lông bàn chải nhanh hơn, giảm thời gian sử dụng và hiệu quả do tích tụ vi khuẩn, gây hôi miệng. Đánh răng không có bọt khó loại bỏ hiệu quả các vết bẩn trên bề mặt răng, dẫn đến đổi màu răng theo thời gian.
Theo Yahoo Life, thói quen chải răng khô cũng có khả năng gây hại cho nướu, dẫn đến kích ứng, tấy đỏ và viêm. Thói quen này lâu ngày làm tăng nguy cơ tụt nướu, hiệu quả loại bỏ mảng bám cũng kém.
Các bước đánh răng đúng cách
Để chăm sóc răng miệng thật tốt, ngoài việc chải răng đều đặn hàng ngày, bạn cũng cần phải đánh răng đúng cách theo những bước sau.
- Làm sạch khoang miệng bằng cách súc miệng bằng nước lọc khoảng 30 giây để loại bỏ mảng bám, thức ăn còn trong khoang miệng.
- Rửa sạch bàn chải dưới vời nước, sau đó lấy một lượng kem đánh răng vừa đủ. Lưu ý chỉ rửa sạch bàn chải dưới vòi nước chảy để làm sạch vi khuẩn còn bám trong bàn chải. Tuyệt đối không được nhúng ướt kem đánh răng trước khi chải răng. Nhiều người thường có xu hướng lựa chọn bàn chải đánh răng lông cứng vì nghĩ rằng nó sẽ làm sạch răng tốt hơn. Tuy nhiên, bàn chải lông cứng sẽ làm tăng nguy cơ mài mòn răng và tụt nướu.
- Đặt bàn chải nằm ngang và nghiêng khoảng 45 độ so với viền nướu, đầu lông bàn chải phải tiếp xúc với cả răng và nướu. Đánh răng mặt ngoài trước, gồm tất cả răng ở hàm trên và hàm dưới bằng cách chải nhẹ nhàng với khoảng cách 2-3 răng từ hàm trên xuống và từ hàm dưới lên, hoặc xoay tròn bàn chải đánh răng từ 5 - 10 lần để lông bàn chải có thể chui vào từng kẽ răng để lấy được hết thức ăn bám vào răng. Bạn cần đảm bảo thời gian cho mỗi lần đánh răng là 2-3 phút. Với khoảng thời gian này, răng sẽ được chải sạch sâu.
- Đánh mặt trong của răng tương tự như mặt ngoài. Đánh tất cả các răng ở hàm trên và hàm dưới bằng động tác chải lên, xuống hoặc xoay tròn. Đừng chải răng quá mạnh mà chỉ nên dùng lực vừa phải, cũng không nên ấn lông bàn chải vào sâu bên trong, có thể làm ảnh hưởng đến nướu.
- Đánh răng nhai bằng cách đặt lông bàn chải song song với mặt nhai của răng, sau đó nhẹ nhàng đưa bàn chải từ trong ra ngoài khoảng 10 lần.
- Chải mặt trên của lưỡi từ trong ra ngoài để loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng. Thực tế có rất nhiều người hay quên bước này.
- Súc miệng với nước sạch để loại bỏ kem đánh răng, làm sạch khoang miệng. Rửa sạch bàn chải đánh răng.