Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM: “Không phải cấp thiết mà là cấp bách”

VOV.VN - Đầu tư cho đường Vành đai 3 sẽ thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ đóng góp nhiều hơn cả về GDP và thu ngân sách. Đặc biệt với tình hình giá cả, xăng dầu tăng cao, việc kết nối hạ tầng sẽ giúp chi phí lưu thông hàng hóa, vận chuyển giảm, góp phần giảm chi phí đầu vào của DN, góp phần kiểm soát giá.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là 1 trong 5 dự án giao thông quan trọng sẽ được xem xét chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng chiều dài tuyến vành đai 3 là 76,34 km; bao gồm: TP.HCM: 47,51km; Đồng Nai: 11,26km; Bình Dương: 10,76km; Long An: 6,81km. Tổng diện tích đất của dự án khoảng 642,7ha.

Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 31.380 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương. Tiến độ thực hiện từ năm 2022 đến 2027.

Đầu tư cho đường Vành đai 3 sẽ tạo ra nguồn lợi cho cả nước nhiều hơn khoản chi cho công trình này

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV bên lề Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, nhiều năm qua, hệ thống đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ còn rất hạn chế. Thời gian gần đây mới tập trung nhiều hơn cho hạ tầng giao thông, các tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ cho các cực tăng trưởng, đặc biệt là 2 thành phố quan trọng là Hà Nội và TP.HCM.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Quốc hội đang xem qua chủ trương xem xét đầu tư đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP.HCM. Nếu như được thông qua đầu tư, đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Hà Nội và TP.HCM là cửa ngõ giao lưu quốc tế, điểm đến của khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế, cho nên đầu tư đảm bảo hạ tầng giao thông thông suốt cũng là điểm nhấn để quảng bá, thu hút đầu tư và du lịch quốc tế đến với Việt Nam”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Với đường Vành đai 3 TP.HCM, đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng, càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì đặt trong khu vực Đông Nam Bộ với dân số khoảng 18 triệu dân nhưng đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách. Cụ thể năm 2022, vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600.000 tỷ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỷ đồng. Nhu vậy, khi đầu tư cho đường Vành đai 3 thúc đẩy kết nối vùng sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.

“Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với tình hình giá cả, xăng dầu tăng cao, việc kết nối hạ tầng sẽ giúp chi phí lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển sẽ giảm và góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát giá. Do đó, việc đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay không phải là cấp thiết mà là cấp bách và rất quan trọng”, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, TP.HCM và các tỉnh trong vùng 1 năm thu ngân sách hơn 600.000 tỷ đồng, TP.HCM trong 5 năm 2016 -2022 thu ngân sách hơn 1.810.000 tỷ đồng nhưng TP.HCM chỉ giữ lại 360.000 tỷ đồng và chuyển về ngân sách Trung ương trên 1,4 triệu tỷ đồng nên việc đặt ra bài toán ngân sách cho đường Vành đai 3, dù có gặp những khó khăn nhất định nhưng hoàn toàn khả thi với năng lực tài chính của vùng Đông Nam Bộ, cùng ngân sách Trung ương.

“Cần lưu ý đến hiệu quả đầu tư, đối với TP.HCM, đầu tư công cho TP.HCM 1 đồng thì TP.HCM thu lại được 5 đồng, cho nên đầu tư cho đường Vành đai 3 sẽ tạo ra nguồn lợi cho cả nước nhiều hơn khoản chi cho công trình này”, ông Trần Hoàng Ngân cho hay.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để không lãng phí tiền công trong xây dựng cơ bản

Còn theo đại biểu Hà Quốc Trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển đường cao tốc, đường bộ, hàng không trong chiến lược phát triển chung. Việc xem xét chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm là quyết định quan trọng để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của các vùng. Tuy nhiên, ông Hà Quốc Trị cũng lưu ý, một vấn đề lớn hiện nay mà các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc đó là giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án.

“Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này thì trước hết, từng địa phương phải lập quy hoạch, kế hoạch các vùng khoáng sản phục vụ cho phát triển các tuyến đường này, trong đó phải có quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là khi triển khai các dự án thì phải tập trung các nguồn lực vào giải phóng mặt bằng để dự án được triển khai thuận lợi, không ảnh hưởng đến tiến độ chung”, đại biểu Hà Quốc Trị nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, dự án đường Vành đai 4 là 1 trong những trục đường quan trọng để giải tỏa ách tắc của hệ thống giao thông đường bộ hiện nay, từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả vùng. Tuy nhiên, để dự án được triển khai thuận lợi, không bị ách tắc thì việc giải phóng mặt bằng là vấn đề mấu chốt cần các địa phương tham gia vào cuộc để dự án suôn sẻ, trơn tru.

“Từ khâu lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu, tổ chức đấu thầu, tham gia giám sát công trình… là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với nhà thầu thi công cũng như chính quyền địa phương để dự án được thực hiện suôn sẻ. Tôi rất mong muốn dự án này khi thực hiện sẽ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và đặc biệt là chủ đầu tư cần có sự quyết tâm cao trong tổ chức thi công, tổ chức thực hiện dự án phải công tâm, khách quan, vô tư, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của mình đối với người dân, đối với từng dự án”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Bày tỏ lo ngại về thực tế thời gian qua, tình trạng giải ngân chậm, chưa minh bạch… gây lãng phí rất lớn, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng đặc biệt lưu ý làm sao để không lãng phí tiền công trong xây dựng cơ bản trong 5 dự án lớn, đặc biệt trong dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 4.

“Nếu dự án được thông qua, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phải đặc biệt quan tâm, kiểm tra nhắc nhở, đôn đốc thực hiện để dự án được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả tốt”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dự án Đường Vành đai 4: Cực phát triển sẽ lan tỏa thành các điểm trong vùng Thủ đô
Dự án Đường Vành đai 4: Cực phát triển sẽ lan tỏa thành các điểm trong vùng Thủ đô

VOV.VN - Khi có đường Vành đai 4 sẽ tạo ra tính chất liên kết vùng Thủ đô, các tỉnh trong vùng Thủ đô. Như vậy, không chỉ Hà Nội là cực phát triển mà cực phát triển lan tỏa thành các điểm trong vùng.

Dự án Đường Vành đai 4: Cực phát triển sẽ lan tỏa thành các điểm trong vùng Thủ đô

Dự án Đường Vành đai 4: Cực phát triển sẽ lan tỏa thành các điểm trong vùng Thủ đô

VOV.VN - Khi có đường Vành đai 4 sẽ tạo ra tính chất liên kết vùng Thủ đô, các tỉnh trong vùng Thủ đô. Như vậy, không chỉ Hà Nội là cực phát triển mà cực phát triển lan tỏa thành các điểm trong vùng.

5 dự án giao thông trọng điểm: “Lộ thông thì tiền sẽ thông”
5 dự án giao thông trọng điểm: “Lộ thông thì tiền sẽ thông”

VOV.VN - Bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm sẽ được đưa ra xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một yêu cầu đặc biệt quan trọng để có thể góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

5 dự án giao thông trọng điểm: “Lộ thông thì tiền sẽ thông”

5 dự án giao thông trọng điểm: “Lộ thông thì tiền sẽ thông”

VOV.VN - Bày tỏ ủng hộ chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm sẽ được đưa ra xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một yêu cầu đặc biệt quan trọng để có thể góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, gây lãng phí
Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, gây lãng phí

VOV.VN - Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10/2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%. Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo hiện vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư...

Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, gây lãng phí

Nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, gây lãng phí

VOV.VN - Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10/2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%. Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo hiện vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư...