Còn chủ quan trong tiêm vaccine viêm não Nhật Bản

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân phải nhập viện để điều trị viêm não Nhật Bản.

Bố mẹ của 3 trẻ này đều không nhớ thời điểm con tiêm vaccine và không tiêm nhắc lại theo đúng hướng dẫn.

Mặc dù tiêm vaccine viêm não Nhật Bản nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được miễn phí hoàn toàn, thế nhưng vẫn có nhiều trẻ em bị nhiễm virus này.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản được hệ thống y tế cơ sở thành phố triển khai tốt, với tỉ lệ trẻ đi tiêm đạt tới 98%. Vì thế, rất hiếm trường hợp phải nhập viện vì viêm não Nhật Bản.

Những trường hợp này thường do chưa tiêm chủng lần nào hoặc tiêm nhưng bỏ mũi. Để trẻ dưới 15 tuổi không bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản, cách tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Khi từ 1-2 tuổi, trẻ được tiêm mũi 1 và mũi 2, mỗi mũi cách nhau 7-15 ngày.

Trẻ 3 tuổi tiêm nhắc lại mũi 3. Đây là những mũi tiêm bắt buộc. Ngoài ra, trẻ có thể tiêm nhắc lại mũi 4-5 khi trẻ từ 1-5 tuổi và tiếp tục tiêm nhắc lại 3 năm/lần khi trẻ từ 5 tuổi- 15 tuổi. Với trẻ dưới 15 tuổi chưa được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản lần nào, phụ huynh nên đưa các em đến trạm y tế phường hoặc các Trung tâm y tế dự phòng để được tiêm chủng. Hiệu quả chủng ngừa của mũi sau cao hơn mũi trước, vì thế các bậc phụ huynh cần tiêm vaccine đúng, đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế để phòng bệnh cho con.

Từ tháng 4 đến tháng 9 là thời điểm virus viêm não Nhật Bản thường xuất hiện. Vật trung gian truyền bệnh là muỗi. Khi nhiễm virus này, dấu hiệu ban đầu của trẻ là sốt, đau đầu. Với những trường hợp nhiễm virus viêm não Nhật Bản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên