Đã có 6 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung

(VOV) -Thanh Hoá là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất với 3 người chết và mất tích, 1 xã bị cô lập hoàn toàn…

Theo Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến 16h30 ngày 6/9, mưa lũ tại miền Trung đã làm 5 người chết (Thanh Hóa 2 người, Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 1 người); mất tích 1 người (Thanh Hóa); làm ngập hơn 1.500 ngôi nhà, hơn 1.800 ha hoa màu và cây ăn quả và nhiều tuyến đường giao thông bị ngập. Riêng xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân - Thanh Hóa bị cô lập hoàn toàn.

Quân khu 4 đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, phối hợp với địa phương kịp thời giải quyết hậu quả, chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình thành lập đoàn công tác xuống các cơ sở để nắm và chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Để sẵn sàng ứng phó với lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trên các sông suối ở vùng núi, ngập úng vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó khi có tình huống.

Người dân quay cuồng với lũ tại Thanh Hoá (Ảnh: Nguyễn Hải)

** Tại Quảng Bình: Mưa lớn trong những ngày qua đã làm hơn 7.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đang đứng trước nguy cơ ngập úng, hư hỏng nặng. Huyện Quảng Ninh là địa phương có gần 1.000 ha lúa hè thu của bà con đang thời kỳ thu hoạch cũng bị ngập úng và có nguy cơ mất trắng.

Trước tình trạng này, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện Quảng Ninh chỉ đạo các xã vận động bà con nông dân thu hoạch lúa chạy lũ.

** Quốc lộ 1A đoạn qua Ninh Bình ngập sâu.

Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua làm lượng nước trên thượng nguồn đổ về lớn đã gây ngập sâu tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ tổ 10 phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đến khu vực dốc Xây giáp thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa dài khoảng 5 km, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trong nhiều giờ.

Khoảng 13 giờ chiều 6/9, hàng nghìn chiếc xe ô tô bị mắc kẹt xếp hàng dài trên đường, giao thông khu vực này bị tê liệt hoàn toàn. Nước ngập sâu từ 30 - 40 cm khiến cho nhiều phương tiện bị chết máy phải thuê xe và người kéo mới thoát khỏi khu vực bị ngập.

Người dân sống tại đây cho biết, nhiều năm nay cứ vào mùa mưa là đoạn đường này lại chìm trong biển nước nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng khắc phục.

** Lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và hạ lưu sông La đang lên nhanh. Mực nước lúc 16h ngày 6/9 trên các sông như sau: Sông Cả tại Dừa: 20,33m, dưới BĐ1: 0,17m; tại Nam Đàn: 5,46m (15h/6/9), trên BĐ1: 0,06m. Sông La tại Linh Cảm: 3,03m.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An và hạ lưu các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục lên. Sáng mai (7/9), mực nước các sông ở Thanh Hóa lên mức báo động 1; chiều tối mai (7/9), mực nước hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn có khả năng lên mức báo động 2 và hạ lưu sông La tại Linh Cảm lên mức báo động 1.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trên các sông suối ở vùng núi, ngập úng vùng trũng, đồng bằng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mưa lớn tại Bắc Trung Bộ, 3 người chết
Mưa lớn tại Bắc Trung Bộ, 3 người chết

(VOV) -Mưa lớn nhiều ngày qua đã khiến hàng trăm hecta lúa bị ngập, nhiều hộ gia đình bị ngập toàn bộ, 3 người chết.

Mưa lớn tại Bắc Trung Bộ, 3 người chết

Mưa lớn tại Bắc Trung Bộ, 3 người chết

(VOV) -Mưa lớn nhiều ngày qua đã khiến hàng trăm hecta lúa bị ngập, nhiều hộ gia đình bị ngập toàn bộ, 3 người chết.