ĐBSCL tăng cường phòng dịch cúm gia cầm
VOV.VN - Chính quyền địa phương đang triển khai tiêm phòng vaccine trên tất cả số gia cầm trong tỉnh.
Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện hai ổ dịch cúm gia cầm.
Cán bộ thú y tiêm vaccine phòng chống dịch cúm gia cầm ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) (Ảnh: Báo Bạc Liêu) |
Ổ dịch cúm A/H5N1 với tổng đàn 1.100 con được phát hiện trên đàn gia cầm tại hộ ông Huỳnh Văn Chức ở xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long và trên đàn gia cầm gần 2.400 con của ông Lê Văn Hòa và ông Huỳnh Văn Ngoan ở xã Ninh Qưới A, huyện Hồng Dân.
Trước tình hình trên, bên cạnh việc nhanh chóng tiêu hủy các đàn gia cầm nhiễm bệnh, các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu cũng đang tăng cường theo dõi, kiểm tra các hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung để kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra, đồng thời chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng chống, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan, phát tán, lây nhiễm cho người và động vật.
Ông Lâm Trí Trung - Trưởng Trạm Thú y huyện Phước Long cho biết: “Sau khi phát hiện bệnh cúm huyện đã tiến hành tiêu hủy, đồng thời tiêu độc sát trùng toàn bộ, từ trong ổ dịch ra tới ngoài. Bên cạnh đó tuyên truyền cho người dân biết nếu có phát hiện nghi cúm thì phải báo cho cơ quan Thú y khống chế không để lây lan ra diện rộng. Huyện cũng giám sát toàn bộ đàn gia cầm hiện có để biết đàn nào chưa tiêm phòng, những đàn nào đã tiêm rồi để triển khai tiêm phòng hết”.
Trước đó, tại Tiền Giang, ngành Thú y đã phát hiện ba ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim cút ở huyện Châu Thành và Chợ Gạo. Các địa phương đã tiêu hủy đàn chim cút bị bệnh, phun thuốc tiêu độc, sát trùng tiêu diệt mầm bệnh ở ba trại nuôi chim cút và các khu vực lân cận; đồng thời tiêm phòng vaccine cúm A/H5N1cho đàn gia cầm trong khu vực có đàn chim cút bị bệnh.
Tại tỉnh Cà Mau, sau huyện Thới Bình xảy ra dịch cúm gia cầm tại xã Tân Phú, thì mới đây ở hai xã thuộc huyện Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau đã xảy ra dịch cúm gia cầm với hơn 200 con gia cầm bị tiêu hủy. Ngành Thú y địa phương tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại ổ dịch và các khu vực xung quanh nhằm bảo vệ các khu vực chăn nuôi lân cận, tránh lây lan, phát tán nguồn dịch bệnh ra cộng đồng./.