Đê biển Tây ở Cà Mau sạt lở nghiêm trọng

Tuyến đê biển Tây nằm trên địa bàn tỉnh Cà Mau có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ cuộc sống, sản xuất của người dân nơi đây  trước thiên tai, bão lũ xảy ra. Thế nhưng, “tấm lá chắn” ấy đang từng ngày bị xuống cấp

Sống trong thấp thỏm, âu lo
Tuyến đê phòng hộ biển Tây đi qua tỉnh Cà Mau có chiều dài 92km hiện đang bị sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng mặt đê biển Tây đang bị xói lở, với khoảng 12 điểm sạt lở kéo dài trên địa bàn 3 huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh với tổng chiều dài các điểm sạt lở gần 2.500m. Bên cạnh tình trạng sạt lở do thiên nhiên, đê biển Tây còn ngày một xuống do dân cư sinh sống quanh khu vực bảo vệ đê.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN & PTNT) tỉnh Cà Mau, trên tuyến đê biển Tây có 2.775 hộ dân với gần 12.000 nhân khẩu đang sinh sống. Phần lớn những hộ dân này thuộc diện nghèo, di cư tự do. Do không có đất ở, số hộ dân này đã làm nhà sinh sống ngay trên mặt đê, hành lang bảo vệ đê. Tuyến đê xung yếu trở thành khu dân cư bất đắc dĩ. Những hộ dân di cư này tới khu vực đê biển Tây, chặt cây làm nhà tạm để ở. Khi chính quyền địa phương biết tin, xuống hiện trường lập biên bản kiên quyết buộc số gia đình vi phạm phải tháo dỡ, di dời. Họ chấp hành ngay. Nhưng khi cán bộ địa phương vừa về thì ngay lập tức những ngôi nhà tạm tranh tre nứa lá lại mọc lên. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại qua nhiều năm và số lượng hộ dân lấn chiếm đê dựng nhà ngày một gia tăng.

Hiện nay, gần 700 hộ làm nhà ở ngoài đê và 70 hộ làm nhà ở trên mặt đê. Số còn lại cất nhà ở trong rừng phòng hộ xung yếu và gần với hành lang bảo vệ đê. Đây là những khu vực rất nguy hiểm mỗi khi có mưa bão và triều cường.

Chị Võ Hoàng Lan ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh nét mặt đầy lo âu: “Làm nhà ở trên đê là vi phạm quy định của Nhà nước nhưng nếu không ở đây chúng tôi chẳng có chỗ nào trú ngụ, sinh sống. ở đây thì nhiều lúc cũng sợ lắm, nhất là mỗi khi đến mùa mưa bão. Thời gian gần đây thấy sóng biển thường ập vào làm sạt lở đất. Mới tuần trước thôi khoảng đất sau nhà còn có rừng chắn sóng, vậy mà bây giờ đã bị sóng biển xóa sạch, tan hoang.

Tình trạng sạt lở uy hiếp nhà dân và đê biển Tây, tỉnh Cà Mau

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau, ông Tô Quốc Nam, cho biết: “Toàn bộ hệ thống đê ở Cà Mau nằm trên nền đất yếu, trong khi đó rừng phòng hộ lại quá mỏng, vì thế mỗi khi mùa mưa bão đến, mức độ nguy hiểm càng gia tăng. Tính trung bình mỗi năm tỉnh Cà Mau có 15 vụ sạt lở lớn, nhỏ. Mới đây, 16 căn nhà ven sông Vàm Đầm, huyện Đầm Dơi bất ngờ sạt xuống sông khiến người dân sống ven sông, ven biển Cà Mau càng thêm âu lo, thấp thỏm. Dọc theo tuyến đê trên 30km này hiện có đến 14 điểm nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào cộng thêm một số đoạn đê đã bị sóng biển làm sạt lở mất nhiều đoạn.

Di dời, định cư - bài toán không dễ
Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau đã có chủ trương di dời những hộ dân sinh sống quanh khu vực đê vào các khu tái định cư. Tỉnh Cà Mau đã lập dự án xây dựng 9 khu dân cư tại các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân, mỗi huyện là 3 khu dân cư. Nhưng hiện nay, hầu hết các khu dân cư này chỉ mới trên kế hoạch, trừ 3 khu: Hương Mai, Cái Cám và Kinh Tư đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng. Còn lại các dự án khu tái định cư khác đang gặp khó khăn do thiếu vốn.

Được biết, UBND tỉnh Cà Mau đã báo cáo khẩn tình hình sạt lở về Bộ NN & PTNT, đồng thời xin hỗ trợ 15 tỉ đồng để xây dựng các khu tái định cư, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trong tháng 7/2008. Ông Tô Quốc Nam cho biết: “Đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần phải đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đê biển Tây một cách kiên cố, đồng thời kiên quyết thực hiện kế hoạch di dời dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm.” Theo tính toán của các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, để thực hiện kế hoạch này cần đến khoản tiền gần 300 tỉ đồng, vượt quá khả năng ngân sách của tỉnh. Như vậy, kế hoạch di dời gần 12.000 dân ra khỏi vùng sạt lở, triều cường nguy hiểm trong năm nay khó thành hiện thực.

Công tác bảo vệ hệ thống đê biển, đặc biệt bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước mùa mưa bão đang là vấn đề cấp bách, bức thiết ở Cà Mau rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực từ phía Trung ương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên