Doanh nghiệp thiếu lao động sau Tết: Do đâu?

Đây là tình trạng bất khả kháng diễn ra trong nhiều năm qua mà doanh nghiệp chưa tìm ra lời giải.  

Ngay sau Tết Nguyên đán Tân Mão, nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất, nhất là các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Tại TP HCM, các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đang thiếu từ 30-35% lao động. Tại các khu công nghiệp ở Bình dương và Đồng Nai cũng trong tình trạng như vậy; mỗi doanh nghiệp đang thiếu từ 200-400 lao động.

Ngành dệt may cũng thiếu lao động trầm trọng sau Tết (Ảnh:internet)

Hiệp hội Dệt may Việt Nam ước tính, năm 2010, mức độ thiếu hụt lao động khoảng 20%, nhưng năm nay con số này ít nhất cũng phải 30%, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý 2/2011.          

Nguyên nhân của tình trạng này là do: Tiền lương của doanh nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người lao động trong điều kiện lạm phát tăng cao khiến công việc kém hấp dẫn.

Với mức lương chưa cao, người lao động phải trang trải cho các chi phí ăn uống, sinh hoạt đắt đỏ nên khoản dành dụm gửi về gia đình không như mong muốn. Trong khi đó, ở miền Bắc, miền Trung, các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều hơn đã thu hút nhiều lao động. Vì thế, nhiều người đã chấp nhận mức lương thấp hơn để ở lại địa phương, bù lại, họ sẽ không phải làm việc trong điều kiện xa nhà.

Mặt khác, các chính sách an sinh xã hội của doanh nghiệp chưa tạo cho người lao động đời sống ổn định để yên tâm gắn bó với công việc, chưa xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chưa lập các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên để gắn kết người lao động với những hoạt động tập thể, chưa có giải pháp nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho công nhân. Nhưng một phần còn do ý thức chấp hành kỷ luật lao động của người lao động chưa cao.

Mặc dù, để giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã có thưởng “nóng”. Nhưng các mức lương, thưởng mang tính thời vụ đó thường không đủ hấp dẫn để níu kéo người lao động ở lại hoặc quay về làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Các chế độ đãi ngộ khác như hỗ trợ tiền tàu xe, lì xì năm mới cũng chỉ là những biện pháp tình thế, nên cũng chẳng thể ràng buộc được người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. ...

Có lẽ, lời giải cho tình trạng các doanh nghiệp thiếu lao động sau dịp Tết Nguyên đán nói chung và sau Tết Tân Mão nói riêng phải là những giải pháp mang tính lâu dài, tương ứng với việc tạo lập và thực hiện các chính sách, đãi ngộ xứng đáng, bền vững đối với người lao động, đặc biệt với khối lao động phổ thông.

Trước tiên, cần  xây dựng nguồn nhân lực bền vững; có chế độ đãi ngộ đúng mức để thu hút và giữ người lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp sử dụng lao động phải gắn với trách nhiệm đào tạo và đào tạo lại nguồn lực lao động, chứ không chỉ mua sức lao động vì lợi nhuận trước mắt, khi cần thì tuyển công nhân, nhưng khi cần đào tạo lại để sử dụng thì sa thải họ và thuê người khác.

Cũng cần có những ưu tiên, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa nhà máy về các địa phương, nhằm thu hút lao động tại chỗ. Đây là cơ sở để người lao động có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Về lâu dài, các địa phương nên từ chối các nhà đầu tư vào các ngành đang phải sử dụng quá nhiều lao động phổ thông mà nên khuyến khích vào các ngành dùng nhiều lao động đã qua đào tạo. Điều này còn góp phần giảm bớt sự lệch pha giữa cung cầu lao động hiện nay.

Ví dụ, trong năm 2010, trong khi nhu cầu sử dụng lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 11% và lao động chưa qua đào tạo là 56% thì số lượng sinh viên ra trường có trình độ đại học chiếm 53%, lao động chưa qua đào tạo chiếm gần 1%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với các trung tâm lao động tại các quận – huyện để tuyển chọn, đáp ứng nhu cầu lao động cho sản xuất sau Tết.

Ngoài những giải pháp vừa nêu, Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng đang triển khai nhiều dự án xây dựng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức hệ thống xe buýt, tăng số chuyến đến các khu công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đi lại, có chỗ ở ổn định để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp./.                                 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên