Đồng bào Khmer vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

(VOV) -Đón Tết cổ truyền, bà con Khmer rất hồ hởi khi cảm nhận rất rõ sự đổi thay trong từng phum sóc trên quê hương mình.

Sau nhiều năm triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án ưu đãi, hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer, đời sống của người dân các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở tỉnh An Giang có sự đổi thay rõ nét.

Nhiều hộ gia đình Khmer ở Tri Tôn, Tịnh Biên... đã thoát nghèo bền vững, tạo diện mạo mới trong cuộc sống nơi vùng đất biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer lại đến trong niềm vui rộn ràng, vui tươi trong mỗi gia đình người dân nơi đây.

Đồng bào Khmer vùng Bảy Núi An Giang vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2013 cũng là thời điểm đất nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước 30/4. Vì thế, đón Tết cổ truyền, bà con người dân tộc Khmer như hồ hởi thêm và cảm nhận rất rõ sự đổi thay trong từng phum sóc trên quê hương mình.

Trong đó, điều dễ nhận rõ nhất là ở những ngôi chùa Khmer ngày nay đã được trùng tu, chỉnh trang khuôn viên, hàng rào, tạo cảnh quan bắt mắt du khách gần xa mỗi khi về Bảy Núi. Có thể nói, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ” đã được các vị sư sãi, à cha ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đón nhận bằng việc xây dựng “Chùa văn hóa” và “Cơ sở thờ tự văn hóa”. Qua đó, vị thế ngôi chùa Khmer, trung tâm sinh hoạt cộng đồng phum, sóc ngày càng được nâng lên.

Ông Men Pholly, Bí thư huyện ủy Tri Tôn cho rằng: “Chùa là nơi tụ tập bà con đến đây để sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ tết. Qua một thời gian thực hiện các điểm chùa văn hóa thì có thể thấy kết quả rất rõ nét. Bà con phấn khởi và hiểu rõ hơn những chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho đồng bào dân tộc”.

Mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay, đồng bào khmer Bảy Núi càng phấn khởi hơn khi những công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư từ những chương trình, dự án của Chính phủ và của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt ở từng phum, sóc. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống của đồng bào Khmer, nhất là các xã, thị trấn khu vực miền núi hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Khi cuộc sống được nâng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc thì con em đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi được đến trường. Hệ thống trường, lớp ở các xã, thị trấn miền núi và nhiều nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer được bố trí đều khắp từ trường mẫu giáo đến THPT khang trang, sạch đẹp.

Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang cho biết: “Sự quan tâm của Nhà nước với đồng bào Khmer là rất lớn. Chính vì thế, sự đổi thay về phát triển kinh tế đã thể hiện rõ ở từng gia đình, từng phum sóc. Bên cạnh đó, rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ, hỗ trợ vốn để phát triển”.

Hòa cùng niềm vui chung của hơn 1,3 triệu đồng bào Khmer Nam bộ đang rộn ràng đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, người dân Khmer vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang đang tập trung nhiều hoạt động văn hóa tinh thần, sửa sang nhà cửa để vui Tết cổ truyền.

Có thể nói, chính sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền ở các địa phương nơi đây đã giúp cho từng phum, sóc vùng đồng bào Khmer ngày càng đổi mới, đón Tết cổ truyền vui tươi, phấn khởi.

Anh Chau An ở xã An Lợi, huyện Tịnh Biên cho biết: “Tết cổ truyền năm nay đã đến rồi, gia đình tôi dọn dẹp nhà cửa cho sạch đẹp, gọn gàn để đón năm mới. Sau đó, làm 1 mâm cơm mang vào chùa cúng cho các vi sư và cúng ông bà cha mẹ. Tết năm nay gia đình tôi rất vui vì ruộng lúa ít sâu bệnh, không gây hại cho mùa màng nên năng suất đạt từ 20 giạ/công trở lên”.

Khi cuộc sống ổn định, sản xuất phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được nâng cao. Từ đó, đã làm nên diện mạo mới về đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc sinh sống ở khu vực Bảy Núi, tỉnh An Giang. Và cái tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây lại đến thật sự là một mùa xuân ấm áp nơi vùng biên giới Tây Nam tổ quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên