Đức Gyalwang Drukpa chủ trì đại lễ cầu an, cầu siêu tại Tây Thiên

VOV.VN - Tâm điểm của pháp hội là sự kiện khai đàn ngày 22/2 với các điểm nhấn tâm linh quan trọng lần đầu diễn ra. 

Được sự đồng thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo thỉnh cầu của Trung tâm Drukpa Việt Nam, trong 3 ngày từ 22 đến 24/2 tới, Đức Gyalwang Drukpa và tăng đoàn truyền thừa Phật giáo Ấn Độ Drukpa sẽ viếng thăm và khai đàn chủ trì đại lễ quán đỉnh, cầu an, cầu siêu trong Pháp hội Đại Bi Quan Âm tại Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tăng đoàn Drukpa dự pháp hội cầu an tại Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên.

Các hoạt động giao lưu văn hóa và nghi lễ tâm linh đặc sắc, với điểm nhấn lần này là lễ hợp long cầu Đại Lạc Kim Cương Mandala - Cung điện Liên Hoa Sinh trên mặt hồ Hương thủy dưới sự chủ trì cử hành của Đức Gyalwang Drukpa. 

Tại Pháp hội 2019, du khách phật tử lần đầu được chiêm bái và cầu nguyện tám vị Phật Bản Tôn Hộ Mệnh (Phật Bản Tôn tương ứng với năm tuổi của mỗi người), dự kiến sẽ tiếp tục thu hút hàng vạn người hành hương về với ngôi Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên.

Tâm điểm của pháp hội là sự kiện khai đàn ngày 22/2 với các điểm nhấn tâm linh quan trọng lần đầu diễn ra. Theo đó, Đức Gyalwang Drukpa sẽ chủ trì đại lễ hợp long và ban gia trì cho cầu cát tường Đại Lạc Kim Cương Mandala, một biểu tượng giác ngộ và công trình kiến trúc có hình xoáy tam thái cực độc đáo linh thiêng đang được xây dựng để kết nối cung điện Mandala Liên Hoa với đại bảo tháp.

Cung điện Liên Hoa - cảnh giới Tịnh độ của chư Phật

Nhân dịp này, nhiều hoạt động văn hóa, nghi lễ tâm linh sẽ được ngài và tăng đoàn truyền thừa cử hành như đại lễ cầu an, đại lễ cầu siêu, đại lễ quán đỉnh (nghi lễ hướng dẫn và cho phép thực hành) tam bộ Phật Hộ thân, tam bộ Phật Trường thọ, pháp hội gia trì 100 Phật Bản Tôn An Bình và Uy Mãnh cùng Đại đàn Tara Yuldhog, nghi lễ Mật thừa cao cấp giúp khiển trừ chướng ngại, hộ quốc an dân.

Lễ hội Quan Âm Đại bảo tháp còn là cơ hội để du khách thưởng thức nghệ thuật Phật giáo Mật thừa với nghi thức lễ nhạc và các vũ điệu Mật thừa linh thiêng như vũ điệu triệu thỉnh Tứ Đại Kim Cương Hộ pháp, Đại Huyền Kim Cương Hộ pháp, Cát tường Phật Mẫu Mahakali. Trong dịp này, Đức Gyalwang Drukpa và tăng đoàn cũng sẽ phô diễn vũ điệu Kim cương triệu thỉnh tám hóa thân Đức Liên Hoa Sinh, màn vũ điệu cát tường linh thiêng chỉ cử hành vào dịp lễ hội lớn tại các thánh địa Phật giáo vùng Himalaya.

Các thiện hạnh xã hội, từ thiện cũng sẽ được tiến hành trong lễ hội này, như dự án "Đánh thức tình yêu thương" - giúp đại chúng ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống và các loài động vật, mối liên hệ của hành động cá nhân với hạnh phúc bình an của cả cộng đồng.

Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ: "Việt Nam là điểm đến ý nghĩa đầu năm mới vì nơi đây người dân có tâm chí thành và mong nguyện một cuộc sống hòa hợp, hạnh phúc, bình an trong tình yêu thương và trí tuệ. Đây chính là tinh thần đạo Phật"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên