Gần nhà máy nước vẫn không có nước dùng

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay tại thành phố Điện Biên Phủ, người dân ở đây đang phải gạn từng gàu nước giếng để dùng.

Theo bà Hoàng Thị Thêu, tổ dân phố 20, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, nắng nóng kéo dài, cái giếng duy nhất của gia đình đã gần cạn nước. Số nước ít ỏi còn lại đã chuyển sang màu ngà ngà. Thế nhưng, nhà bà vẫn phải tận dụng nguồn nước này, múc lên đổ vào thùng cho lắng rồi sử dụng. Biết là nước giếng không đảm bảo vệ sinh nhưng không có nước sạch thì vẫn phải nhắm mắt mà dùng. Sinh sống ở đây từ rất lâu nhưng gia đình bà chưa bao giờ có nước sạch về đến tận nhà. “Tôi chỉ mong trời mưa để có nước mưa mà dùng. Trước đây, tôi vẫn cùng bà con trong xóm xuống tận các gia đình ở xóm dưới để thồ nước sạch về dùng. Nhưng dạo này nắng nóng khô hạn, nước về các xóm dưới ít nên mọi người chẳng dám xuống xin nước nữa” - bà Thêu phàn nàn.

Nhà bà Thêu ở xa và cao hơn các gia đình khác, nước sạch không đến được là một nhẽ. Nhưng ngay cả những hộ dân sống phía dưới, đã nhiều năm nay, nước sạch về cũng rất nhỏ giọt. Các hộ dân ở đây thường phải hứng nước vào ban đêm. Nhưng nước sạch cũng chỉ đủ để nấu nướng, chứ tắm giặt vẫn phải dùng nước giếng.

Ông Đinh Văn Lựu, Tổ phó Tổ dân phố 20, phường Tân Thanh, phản ánh: Tổ 20 có trên 100 hộ. Đã 6 năm nay, kể từ ngày chia tách từ phường Mường Thanh sang, tổ chưa được đầu tư xây dựng đường, điện, nước. Để khắc phục, người dân đã tự đóng góp để có điện, có nước, có đường cấp phối đi tạm. Về đường nước, người dân đã đóng góp đầu tư 3 đầu mối dẫn nước đến 3 điểm dân cư, rồi các gia đình tự làm đường ống nhỏ dẫn nước về nhà. Thế nhưng, do đầu tư không đồng bộ, dân số ngày một tăng  nên lượng nước về đây ngày một ít. Chỉ khoảng 50% hộ gia đình ở đây có nước sạch để dùng nhưng cũng chỉ đủ để ăn uống.

Nhiều gia đình phải dùng nước giếng không đảm bảo vệ sinh (ảnh: Internet)

Tình cảnh thiếu nước sinh hoạt còn diễn ra ở nhiều điểm dân cư thuộc thành phố Điện Biên Phủ như: khu vực bản Co Cáng, phường Nam Thanh, một vài khu vực của phường Noong Bua, bản Huổi Phạ, phường Him Lam. Người dân các khu vực này cũng đang phải tận dụng nước từ giếng cạn, mạch mó, thậm chí tắm giặt tại các mương phai. Ngay tại tổ dân phố 1, phường Him Lam - nơi có Công ty Xây dựng và Cấp nước Điện Biên - vẫn có rất nhiều hộ gia đình đang sống trong cảnh thiếu nước.

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng và Cấp nước sạch tỉnh Điện Biên cho biết, do nhiều khu dân cư được quy hoạch từ hàng chục năm trước; đường ống dẫn nước nhỏ, xuống cấp; tỷ lệ thất thoát nước chiếm đến 30%, trong khi đó công suất của nhà máy nước hiện chỉ đạt 8.000m3/ngày đêm nên không đủ áp lực đẩy nước đến các khu vực vùng cao, vùng xa của thành phố. Dự án nhà máy nước giai đoạn II được tỉnh phê duyệt sẽ nâng công suất lên gấp đôi, chắc chắn sẽ đảm bảo cung cấp nước cho dân cư thành phố và cả một số vùng lân cận. Thế nhưng, dự án vẫn đang trong giai đoạn thẩm định hồ sơ.

Để khắc phục, Công ty đang chủ động dùng nguồn vốn vay để đầu tư bổ sung thêm dây chuyền xử lý nước với công suất 3.500m3nước/ngày đêm. “Đối với các hộ vùng cao, Công ty đóng mở nước theo giờ, mỗi tuần 2 lần. Ngoài ra, Công ty còn chủ động đầu tư mạng cấp 2, cấp 3 đến các khu vực chưa được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước”.

Người dân ở thành phố Điện Biên Phủ đang mong mỏi dự án nhà máy nước giai đoạn II được phê duyệt để sớm có nước sạch dùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên