Ghép tế bào gốc đạt tỷ lệ thành công trên 75%
(VOV) - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã thực hiện trên 65 ca ghép tế báo gốc, tỷ lệ thành công đạt trên 75%.
Ghép tế bào gốc (hay còn gọi là ghép tủy) được coi là phương pháp điều trị tốt nhất mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân mắc các bệnh về máu. Tại Viện huyết học và Truyền máu Trung ương, với phương pháp điều trị và trang thiết bị được đầu tư hiện đại mà chi phí thấp hơn nhiều so với điều trị tại nước ngoài, phương pháp ghép tế bào gốc đã và đang đem lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu.
Bệnh nhân Trần Xuân Trường ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phát hiện bệnh ung thư máu từ đầu năm 2010. Qua 8 tháng điều trị tại Bệnh viện K và 1 năm điều trị bằng thuốc nhắm đích (Gleevec) tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Vì vậy, các bác sỹ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã quyết định thực hiện ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bằng phác đồ điều trị tích cực, nghiêm ngặt về chuyên môn.
Sau 1 tháng, các xét nghiệm tuỷ đều cho kết quả khả quan, hiện sức khỏe của ông hoàn toàn bình thường và chờ ngày ra viện. Ông Trường cho biết: “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được các bác sỹ tận tình giúp đỡ, ghép tế bào gốc và mang lại cuộc sống cho tôi. Hiện sức khỏe tôi khá tốt, khả quan, ăn uống, ngủ nghỉ được”.
Ghép tế bào gốc tạo máu là một phương pháp hỗ trợ cho điều trị hóa chất liều cao hay tia xạ, để tiêu diệt một cách nhanh chóng và triệt để các tế bào ung thư. Đây được coi là phương pháp điều trị tốt nhất, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân bị mắc các bệnh về máu và một số bệnh lý khác.
Bà Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép Tế bào gốc, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: Ung thư máu chiếm khoảng 50% trong các bệnh về máu. Trước đây, bệnh nhân ung thư máu thường điều trị hóa chất liều cao. Liều càng cao thì hiệu quả càng tốt, nhưng đó là con dao 2 lưỡi, có thể tốt đối với người khỏe mạnh, nhưng cũng có thể gây tử vong với người yếu. Việc ghép tế bào gốc giúp giảm tác dụng phụ mà vẫn đạt tối đa tác dụng chính, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Từ năm 2006 đến nay, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã thực hiện trên 65 ca ghép tế báo gốc với hai hình thức là: ghép tế bào gốc tự thân và ghép tế bào gốc đồng loại. Tỷ lệ thành công đạt trên 75%.
Với 1 ca ghép tế bào gốc, nếu thực hiện ở nước ngoài thì bệnh nhân phải chi trả khoảng 4 đến 5 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, ngoài tiền bảo hiểm đã thanh toán, người bệnh chỉ mất từ 150 đến 200 triệu đồng.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương khẳng định: Viện Huyết học có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực, kỹ thuật để thực hiện ghép tế bào gốc. Đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để tiến hành thực hiện những ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân.
“Viện có đội ngũ bác sỹ trẻ, mong muốn và quyết tâm thực hiện phương pháp này, bên cạnh đó có Trung tâm Tế bào gốc hỗ trợ các hoạt động. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng phương pháp này, cung cấp tế bào gốc cho ngoại khoa, tim mạch, nội tiết… để chữa bệnh cho các chuyên khoa khác; tiếp tục kiến nghị với các cơ quan chức năng để hỗ trợ Viện thực hiện chương trình Tế bào gốc Quốc gia. Khi chương trình ghép tế bào gốc quốc gia hoạt động, việc ghép tế bào gốc mới thực sự được đẩy mạnh”.
Ghép tế bào gốc thực sự đang mở ra cơ hội sống cho người mắc bệnh máu hiểm nghèo. Với những thành tựu đó, phương pháp ghép tế bào gốc trở thành 1 trong 10 thành tựu y học nổi bật của Việt Nam trong 5 năm vừa qua./.