“Giữ lửa” gia đình thời 4.0

VOV.VN -Thiếu vắng những bữa cơm ấm cúng quây quần đầy đủ các thành viên trong gia đình là lý do khiến mối quan hệ gia đình trẻ ngày càng lỏng lẻo. 

Bữa cơm gia đình ngày càng vắng bóng thành viên...

Nhịp sống gấp gáp hối hả thời hiện đại đang làm cho những bữa cơm gia đình truyền thống sum vầy thiếu vắng dần trong mỗi mái nhà, nhất là những gia đình trẻ thành thị. Cuộc sống thời hiện đại, mọi người dành thời gian cho công việc nhiều hơn, quỹ thời gian dành cho gia đình vì thế cũng ít đi.

Là người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, chồng làm kinh doanh, chị Lan cho biết, ngày nào vợ chồng chị cũng đi làm từ sáng sớm đến tối mới về. Con cái học bán trú cả ngày, chiều tối vội vàng ăn tạm những món ăn nhanh rồi lại đi học thêm, vì thế việc duy trì bữa ăn chung có đầy đủ thành viên trong gia đình một tuần chỉ đôi lần. 

Bữa cơm gia đình tạo sự gắn kết giữa các thành viên.

Còn chị Thu Thúy, một nhân viên văn phòng chia sẻ, ngày nào một mình chị cũng tất tả đi đón 2 con rồi lại sấp ngửa về nhà để chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Nhiều hôm cơm nước nấu xong rồi mà 9, 10 giờ tối chồng vẫn chưa về, do tiếp khách, chơi thể thao... Cả tháng, số bữa ăn có đủ các thành viên trong gia đình chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chị Thúy lo lắng giãi bày: “Con trai lớn đang học lớp 9, gần đây cháu học hành khá sa sút, thái độ lầm lỳ, ăn cơm thật nhanh rồi rút lên phòng riêng. Tôi rất lo vì ở lứa tuổi ẩm ương này con trai rất cần được trò chuyện, chia sẻ... nhưng lúc bố về thường là con đã ngủ”.

Theo cô Nguyễn Kim Oanh, 65 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội: Với người Việt Nam, bữa cơm gia đình là nơi tụ họp, gắn kết các thành viên với nhau, không chỉ góp phần hình thành nề nếp gia phong mà còn góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Thế nhưng ngày nay, thật khó để duy trì đông đủ mọi người khi mà bố mẹ mải làm ăn, hoặc say sưa với những sở thích riêng, con cái thì bận học tối ngày.

“Việc giữ hạnh phúc gia đình, chất gắn kết không gì bằng chăm lo cho nhau cái ăn, cái mặc và chia sẻ công việc hằng ngày với nhau. Từ bữa cơm, ông bà, cha mẹ có thể chỉ bảo con cháu lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử có văn hóa, biết chia sẻ cảm thông với nhau trong cuộc sống...” - cô Oanh nhấn mạnh.

Khi công nghệ len vào bữa ăn gia đình

Nhiều bác sĩ tâm lý cho rằng, bữa ăn gia đình còn có tác dụng xoa dịu những căng thẳng mà áp lực từ công việc và cuộc sống đời thường mang đến. Thế nhưng, hình ảnh bố mẹ vừa ăn vừa kiểm tra email, lướt facebook, các con thì mải mê xem tivi... là cảnh tượng thường gặp trong các bữa ăn gia đình thời công nghệ. 

Nếu cha mẹ coi trọng và tập trung vào những bữa ăn, trẻ cũng dần xây dựng được ý thức coi trọng bữa cơm gia đình và các giá trị tình cảm. Ngược lại, rất nhiều trẻ em gặp vấn đề về tâm lý do thiếu sự gắn kết cùng cha mẹ, luôn cảm thấy cha mẹ quá bận rộn nên ít được quan tâm.

Ông Trịnh Trung Hòa, chuyên gia tâm lý nhiều năm nghiên cứu về hạnh phúc gia đình cho biết: Mối quan hệ gia đình trong thời đại 4.0 khá lỏng lẻo so với trước đây, đáng nói là bữa cơm gia đình không được chú trọng như xưa. Lý do ngoài việc bố mẹ mải mưu sinh thì trong xã hội ngày nay internet mở ra một thế giới rộng lớn đầy hấp dẫn khiến các thành viên đều bị phân tán.

Nếu ngày xưa, hàng ngày bữa cơm gia đình chỉ có vợ chồng con cái quây quần chuyện trò thì giờ công nghệ xen vào bữa ăn khá nhiều. Việc cha mẹ vừa ăn vừa sử dụng điện thoại, bận tâm với những “sức hút” bên ngoài khiến không khí bữa ăn gia đình trở nên lạnh nhạt, sự gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và con cái bị lỏng lẻo. Tình trạng này xảy ra ở 70% gia đình hiện nay và nếu không điều chỉnh được thì hậu quả rất khó lường, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa dẫn chứng, khảo sát ở các nước như Mỹ, Pháp cho thấy, tỷ lệ ly hôn tăng lên theo sự phát triển của mạng internet. Ở Việt Nam chưa có thống kê, nhưng qua khảo sát ở quy mô nhỏ khoảng vài trăm gia đình thì thấy rằng, lý do ngoại tình do bắt nguồn từ mạng intenet chiếm tới 50% số vụ ly hôn.

Duy trì bữa bữa cơm gia đình đông đủ, đầm ấm

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, tùy hoàn cảnh, điều kiện, nếu có ý thức vun đắp cho cuộc sống gia đình thì mọi người vẫn duy trì được những bữa cơm gia đình ấm áp và hạnh phúc. Với gia đình chị Lan, bữa tối là khoảng thời gian vui nhất, cả nhà quây quần bên mâm cơm, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau một ngày làm việc, học hành vất vả. 

Chị bày tỏ: “Nấu một bữa cơm ngon cho gia đình là niềm hạnh phúc, thể hiện tình yêu thương đối với con, với chồng. Vì thế, vào những ngày nghỉ tôi luôn dành thời gian để chế biến món ăn mà chồng con thích, hay dạy và cùng các con nấu những món ăn truyền thống để tạo sự gắn kết, quan tâm chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Vì thế mà không khí gia đình luôn vui vẻ, đầy ắp tiếng cười...”.

Giải pháp gắn kết mối quan hệ gia đình trong thời đại 4.0, theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải được tưới hằng ngày, phải có sự chia sẻ, gắn kết với nhau thường xuyên. Và bữa cơm gia đình rất quan trọng. Dù cho cuộc sống có gấp gáp, bận rộn đến đâu nhưng nếu các thành viên trong gia đình đều có ý thức vun đắp thì vẫn có thể duy trì được những bữa cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc./.

“Nhiều người quan niệm, cứ nhà to, xe đẹp, kinh tế dồi dào là gia đình hạnh phúc, nhưng theo nghiên cứu ở Mỹ thì hạnh phúc gia đình được đong đếm bằng những tiếng cười của các thành viên. Trong gia đình nếu không có tiếng cười, không có sự chia sẻ hằng ngày thì tất yếu sẽ dẫn đến những khủng hoảng trong mối quan hệ gia đình, thậm chí là tan vỡ…”- Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Nguy cơ tổ ấm thành nhà trọ
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Nguy cơ tổ ấm thành nhà trọ

VOV.VN - Các chuyên gia tâm ký lo rằng nếu không tìm được giải pháp cân bằng cuộc sống, nhiều cặp vợ chồng sẽ biến tổ ấm thành nhà trọ.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Nguy cơ tổ ấm thành nhà trọ

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Nguy cơ tổ ấm thành nhà trọ

VOV.VN - Các chuyên gia tâm ký lo rằng nếu không tìm được giải pháp cân bằng cuộc sống, nhiều cặp vợ chồng sẽ biến tổ ấm thành nhà trọ.