Hà Nội: Mưu sinh vỉa hè

Chỉ cần một tấm bạt, vài ba cái túi dứa và vài mét vuông vỉa hè là được ngay một “cửa hàng di động” để bán hàng.

Sáng sớm tinh mơ, vỉa hè đường Lê Duẩn (Hà Nội) bỗng dưng trở thành điểm lý tưởng để bày bán quần áo, giày dép… Tiếng rao bán, quảng cáo hàng đại hạ giá, cùng lời mặc cả của khách hàng như xé toang sự im lặng của buổi sáng sớm. Những người dậy sớm tập thể dục… mặc nhiên là những khách hàng đầu tiên. Trời càng hửng sáng, khách càng đông, họ chen chân, bới tung đống quần áo để tìm…

Có 2 điều thu hút cả người mua và bán. Với người bán, chỉ cần một tấm bạt, vài ba cái túi dứa và vài mét vuông vỉa hè là được ngay một “cửa hàng di động” để bán hàng. Với người mua, giá rẻ bất ngờ và thoải mái lựa chọn.

Áo khoác nam, nữ có giá dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/chiếc; giày thể thao có giá từ 70.000-110.000 đồng/đôi… Cầm trên tay hai chiếc áo khoác, bác Nguyễn Văn Huyền, nhà ở Khu tập thể Kim Liên hồ hởi khoe, hiện bác đã về hưu, thấy giá của mỗi chiếc áo là 65.000 đồng/chiếc - cũng phải chăng nên mua liền 2 cái áo khoác cho 2 đứa cháu để đi học buổi sáng. Bác Huyền khẳng định, với loại áo này nếu mua ở cửa hàng hoặc siêu thị thì cũng phải mất 300.000 - 400.000 đồng…

Vừa đếm tiền thừa trả cho khách, vừa giới thiệu sản phẩm, chị Phương - chủ một cửa hàng “di động” cho hay, quê chị ở Nam Định, lên Hà Nội kiếm sống đã gần 10 năm nay. Vào những thời điểm giao mùa, nắm bắt nhu cầu của người khách hàng, bán lẻ quần áo, giày dép cũng kiếm được chút lãi.

Người mua và người bán ở đây, đa số là những người lao động ngoại tỉnh, sinh viên, người nhập cư. Bạn Mai Xuân Minh, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho hay: “Giá cả ở đây rẻ, hợp túi tiền sinh viên nghèo nên bọn em thường rủ nhau ra đây mua sắm…”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài đường Lê Duẩn, vỉa hè tại các tuyến đường Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Hoàng Minh Giám… cũng được người bán hàng “trưng dụng” là nơi bày bán quần áo, giày dép phục vụ khách hàng.

Anh Quân, quê ở Ninh Bình, đang bày bán áo khoác, giày dép trên hè đường Khuất Duy Tiến cho hay, các anh thường tranh thủ bán hàng vào thời điểm 6h30 - 8h sáng và lúc xẩm tối. Anh Quân “hồn nhiên”: “Sở dĩ chúng tôi chọn thời điểm này là để “tránh” công an. Chúng tôi biết là mình “phạm tội” lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ, nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải… tranh thủ”.

Trao đổi với phóng viên, chị Phương và anh Quân đều khẳng định các sản phẩm đang được bày bán là của các doanh nghiệp Việt Nam. Cầm trên tay một chiếc giày mang nhãn hiệu Adidas, chúng tôi hỏi anh Quân, hàng của Việt Nam sao thông tin về sản phẩm đều là tiếng nước ngoài và không ghi rõ đơn vị sản xuất. Anh Quân tỏ ra lúng túng, rồi trả lời: “Tôi lấy lại của người khác, họ bảo đó là sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước làm…”.

Chị Phương lại có cách lý giải khác. Cầm trên tay một chiếc áo khoác loằng ngoằng chữ nước ngoài, chị khẳng định, phải vất vả lắm các đầu mối hàng của chị mới mua lại được những lô hàng bị lỗi, bị thải loại, không đạt tiêu chuẩn để làm hàng xuất khẩu; bên cạnh đó, chị không phải thuê mặt bằng, nhân công, chính vì vậy mà giá áo khoác chị bán mới rẻ đến thế.

Rồi chị Phương còn cho lời khuyên: Nếu mua lúc ban ngày thì có thể nhìn rõ hàng mới hay cũ, còn mua buổi tối thì phải cần quan sát cho thật kỹ, kẻo không lại mua phải hàng tồn từ các năm trước để lại…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên