Hàng chục giếng nước tự phun trào tại Đồng Nai

VOV.VN - Khi mũi khoan đi được 25 m, nước bắn lên thành cột cùng sỏi đá rồi cứ thế phun nước suốt nhiều năm, dù không có thêm tác động ngoại lực.

Người dân ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) hơn 10 năm nay quen thuộc với những giếng nước khoan tự phun trào.Các giếng nước nằm dưới một lòng chảo nhỏ chừng một km2, phía dưới con đường liên ấp trong một quả đồi nhỏ, cách quốc lộ 1 và trung tâm xã Bàu Hàm 2 nửa cây số.

 Giếng nước tự phun trào với lực khá mạnh tại tổ 7, ấp Ngô Quyền, phục vụ cho nhiều gia đình trong khu vực. Ảnh: Hoàng Trường

Những bậc cao niên khai phá thung lũng này để dựng nhà, làm ruộng, trồng trái cây cho biết ngày trước khu vực này thường thiếu nước vào mùa khô, giếng đào không đủ tưới tiêu cho hàng chục ha vườn nên mọi người bắt đầu khoan giếng.

Là một trong những người đầu tiên phát hiện hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Sửu (ngụ tổ 7) cho biết đã thuê thợ đến khoan phía sau nhà với giá 4 triệu đồng. Lúc đầu nhóm thợ khoan gặp khó khi chỉ 2 m đầu là đất, còn lại toàn là đá. Đến độ sâu chừng 25 m thì nước phun thành cột, cao vài mét rất tinh khiết, mát lạnh. "Nước phun nhiều đến nỗi tôi cho 4 nhà xung quanh cùng dùng, thế mà chục năm rồi nó vẫn chưa ngừng chảy", ông Sửu nói. 

Thấy nhà ông Sửu nước dồi dào mà không cần mua máy bơm về, nhiều nhà trong ấp làm theo và cũng xảy ra tình trạng tương tự. "Chúng tôi phải làm một ống nước xả ra suối chứ không dám đóng lại vì sợ áp lực nước làm vỡ ống nhựa hoặc tắc mạch nước. Nhiều khi các ống nước sinh hoạt trong nhà phải xả suốt đêm cho bớt nước", ông Sửu cho biết thêm.

Cách tổ 7 chừng một km, giếng khoan của những hộ dân tại tổ 15 còn có lực nước phun trào mạnh hơn. Nhiều nhà ở cách miệng giếng 100 m vẫn lấy được nước. Họ làm các ống nhựa, tách ra nhiều nhánh dẫn về nhà để phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất.

"Hồi đó khu vực này chỉ toàn ruộng vườn, khi khoan giếng nước phun ầm ầm ai cũng bất ngờ. Nước không có phèn gì cả, ngon hơn cả nước giếng đào ngày trước", ông Chu Văn Phương ở tổ 15 nói về giếng nhà mình.

Có tổng cộng gần 20 giếng khoan tự phun trào trong khu vực thung lũng. Tuy nhiên cách đó vài chục mét, các hộ dân sống trên mặt đường cao vẫn phải dùng máy bơm để đưa nước mạch ngầm lên. "Tôi nghĩ chỉ là hiện tượng tự nhiên bình thường do lực nước nên cũng chẳng báo gì chính quyền địa phương, hàng chục năm nay nước vẫn chảy vậy nên cũng không dám can thiệp sâu sợ bị phá mạch nước", một người dân nói.

Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hiện tượng giếng khoan tự phun trào xảy ra suốt nhiều năm. "Để biết được vì sao thì phải kiểm tra, khảo sát. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cử đoàn chuyên gia xuống địa bàn kiểm tra thực tế", một lãnh đạo Sở nói.

Hiện tượng này mới đây cũng xảy ra tại nhà ông Nguyễn Văn Bảnh (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngày 1/6, cần lấy nước tưới cây nông nghiệp, ông Bảnh thuê thợ đến khoan giếng với độ sâu 80 m. Khi độ sâu đạt đỉnh, thợ khoan rút ống thì nước phun lên xối xả, có khi cao đến 20 m trông như vòi rồng.

Để giảm lượng người ùn ùn kéo đến xem, các cơ quan chức năng tỉnh phải khống chế cột nước, uốn cong dòng chảy hướng ra suối và ao hồ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hiếu kỳ, dân ùn ùn kéo đến xem giếng nước phun cao
Hiếu kỳ, dân ùn ùn kéo đến xem giếng nước phun cao

VOV.VN - Số lượng người dân hiếu kỳ đổ về thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc ngày càng đông, kể cả ngày lẫn đêm.

Hiếu kỳ, dân ùn ùn kéo đến xem giếng nước phun cao

Hiếu kỳ, dân ùn ùn kéo đến xem giếng nước phun cao

VOV.VN - Số lượng người dân hiếu kỳ đổ về thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc ngày càng đông, kể cả ngày lẫn đêm.