Hàng mã nhà lầu, xe hơi ế ẩm trước ngày tiễn ông Táo

VOV.VN -Cận ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời, thị trường hàng mã mới sôi động hơn, tuy nhiên, người dân ít mua loại đắt tiền.

Theo truyền thống người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo quân về trời dâng tấu Ngọc Hoàng việc bếp núc, làm ăn của các gia đình dưới hạ giới trong năm cũ. Ngày này, người dân sắm áo mũ mới (hàng mã) và cá chép để làm lễ đưa ông Công, ông Táo về trời, với mong muốn gia đình an khang, thịnh vượng.

Những ngày này, trên các con phố của thủ đô, nhiều người gánh đồ ông Công ông Táo đi bán rong. Các phố Hàng Mã, phố Lương Văn Can… nơi tập trung các cửa hàng bán đồ vàng mã ở Thủ đô phủ sắc đỏ, sắc vàng của đủ loại hàng mã.

Như mọi năm, thị trường hàng mã phục vụ ngày tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời đã bắt đầu rục rịch từ đầu tháng Chạp. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người kinh doanh mặt hàng này ở phố Hàng Mã và Lương Văn Can, năm nay cận ngày ông Công, ông Táo lượng người mua mới đông đúc và chủ yếu tập trung mua hàng giá bình dân. Trước đó, sức mua khá thấp.

Cận ngày tiễn ông Táo về trời, thị trường hàng mã mới sôi động hơn

Theo ghi nhận của PV, năm nay, thị trường hàng mã không nhiều mặt hàng mới, nhưng sản phẩm vẫn rất phong phú, đa dạng từ màu sắc, chất liệu đến giá thành, phù hợp với mọi nhu cầu của khách hàng. Ngoài những mặt hàng như quần áo, mũ, hài giấy, tiền vàng, những mặt hàng hiện đại, như nhà lầu, xe hơi, điện thoại Iphone 5s, Ipad mini… cũng không thiếu. Những mặt hàng này được thiết kế đẹp mắt, giá thành cũng tùy từng loại, dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. 

Nhìn chung, các mặt hàng vàng mã chính vẫn có giá như mọi năm, không thay đổi nhiều. Theo một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã, năm nay, kinh tế vẫn còn trong tình trạng khó khăn, người dân ngày thắt chặt chi tiêu, nên hầu hết các hộ kinh doanh bán hàng không đẩy giá, ép giá những mặt hàng này trong dịp cận Tết mà giữ giá ổn định để cạnh tranh và giữ khách.

Cụ thể, một bộ “ông Công, ông Táo” gồm 3 mũ, 3 bộ quần áo được làm với cỡ nhỏ, cỡ trung bình và cỡ to. Bộ cỡ nhỏ làm bằng giấy màu có giá rẻ nhất, chỉ từ 40.000 - 60.000 đồng/bộ. Bộ cỡ trung bình có giá từ  90.000 - 110.000 đồng/bộ và loại to giá từ 140.000-160.000 đồng/bộ. Đắt nhất là loại mã làm bằng giấy màu bong, ánh nhũ, in hoa văn chìm, giá từ 250.000- 350.000 đồng/bộ. Bên cạnh đó, ngựa giấy cũng có giá từ 80.000 - 120.000 đồng/con.

Giá cả 1 bộ mũ áo từ 40.000- 350.000 đồng/ bộ, tuy nhiên, loại có giá thành đắt rất ít người mua

Tuy nhiên, năm nay, người dân chủ yếu chọn mua các bộ lễ giá trung bình, có giá 40.000 – 60.000 đồng/bộ, loại bộ giá vài trăm nghìn rất ít người mua.

Chị Ngân - chủ một cửa hàng kinh doanh hàng mã - cho biết: “Năm nay làm ăn khó khăn hơn, trước đó người mua thưa thớt nên tôi cũng khá lo lắng. Nhưng từ ngày 20 đến nay, việc buôn bán đã rất tấp nập hơn, chắc đến chiều 23 là hết hàng”. Chị Ngân cũng cho biết, mặt hàng bán chạy nhất là bộ ông Công ông Táo giá vài chục ngàn, loại đắt hơn rất ít người mua. Có người thì mua thêm ngựa giấy hay cá chép giấy, những mặt hàng khác như nhà lầu, xe hơi, tivi thì gần như không bán được. Vì thế, những người bán hàng không buồn bày bán những mặt hàng này, mà cất trong nhà, thỉnh thoảng có khách hỏi mới mang ra.

Chị Hải (Hoàng Mai, HN), một khách mua hàng cho hay: “Năm nay tôi cũng chỉ mua bộ quần áo, mũ và ít tiền vàng để cúng ngày 23. Tôi nghĩ rằng mọi sự tại tâm, mua nhiều đốt nhiều rất lãng phí”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tết ông Công, ông Táo: Văn hóa truyền thống bị biến tướng
Tết ông Công, ông Táo: Văn hóa truyền thống bị biến tướng

VOV.VN -Tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, cung cấp sự sống cho con người.

Tết ông Công, ông Táo: Văn hóa truyền thống bị biến tướng

Tết ông Công, ông Táo: Văn hóa truyền thống bị biến tướng

VOV.VN -Tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, cung cấp sự sống cho con người.