Hình ảnh Bác Hồ vẹn nguyên trong trái tim thế hệ trẻ
VOV.VN - Với người trẻ, dù chỉ biết Bác Hồ qua các bộ phim tư liệu, phương tiện truyền thông...nhưng họ luôn dành một tình cảm đặc biệt kính trọng đối với Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa vĩ đại, là tấm gương cao cả để bao thế hệ dân tộc Việt Nam học tập và noi theo. Với người trẻ, mặc dù chỉ biết Bác qua các bộ phim tư liệu, phương tiện truyền thông,…thế nhưng họ luôn dành một tình cảm đặc biệt kính trọng đối với Bác.
Bác Hồ và các em thiếu nhi. |
Lớn lên trong hòa bình, giới trẻ Việt chỉ biết Bác qua những câu chuyện ngày nhỏ của bà, bài học trên lớp của thầy cô hay sách báo, tranh ảnh. Dù chỉ qua tư liệu, nhưng khác với thế hệ trước, giới trẻ ngày nay lại có nhiều cách khác để thể hiện tình cảm, sự kính trọng dành cho Bác. Linh Chi (2007, Lạng Sơn) nhớ lại: “Ngay từ nhỏ em đã được nhìn thấy Bác qua truyền hình, thế nhưng chủ yếu là mấy tập phim đen trắng, vậy nên hình ảnh của Bác cũng không được rõ nét. Những lần đó, em cảm thấy rất mới lạ. Dù chỉ được biết về Bác qua những thước phim nhưng em biết thêm về cuộc sống, về sự hy sinh của Người. Tất cả sự hy sinh đó đều vì dân tộc, đất nước. Sự hy sinh đó cho chúng em có được cuộc sống như ngày hôm nay”.
Nhiều bạn trẻ tâm sự rằng, Bác Hồ là một người vừa chân thực nhưng cũng vừa “trừu tượng”, các em biết Bác nhờ những cuộc tham quan bảo tàng hay vài ba quyển sách. Đối với Kim Oanh (2003, THPT Tây Hồ), Bác Hồ là một người rất đỗi thiêng liêng, vĩ đại: “Hầu hết những câu chuyện về Bác mà em biết là từ bài giảng của cô giáo hay đi thăm quê Bác được nghe hướng dẫn viên kể lại. Em nghĩ rằng, không chỉ thế hệ 10X, mà thế hệ sau này của dân tộc Việt Nam vẫn luôn dành cho Bác một tình yêu, sự kính trọng hết mực.”
Kim Oanh hiện là học sinh lớp 11 trường THPT Tây Hồ. |
Được xem là thế hệ xa cách với thời kì chiến tranh, với Bác nhất, nhiều ý kiến cho rằng thế hệ 10X có thể không hiểu hết những giá trị đạo đức từ tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ lại cho rằng Bác Hồ chính là một trong những biểu tượng lí tưởng cho họ học tập và rèn luyện. Nguyễn Trung Hoàng (2002) hiện là học sinh trường THPT Lý Thường Kiệt kể về Bác với sự ngưỡng mộ: “Điều em ghi nhớ sâu sắc hơn cả về nhân cách Bác Hồ đó là tinh thân nhân đạo, nhân nghĩa, vì nước vì dân. Bác không chỉ là người tìm đường cứu nước nữa, trong từng hành động, Bác thể hiện tấm lòng ấm áp, thương dân như con mà ít người có thể làm được”.
Nhờ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giới trẻ dần hiểu rằng đằng sau công lao vĩ đại đối với dân tộc, Bác cũng hết sức gần gũi, mộc mạc. Trên hết, học từ Bác không phải là học những điều lớn lao cao cả, mà là học làm người, trở thành công dân tốt để xây dựng và phát triển đất nước. Khi được hỏi về những điều bản thân học được từ tấm gương Hồ Chủ Tich, Kim Oanh chia sẻ: “Qua những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày của Bác, em cảm thấy việc mình cần làm đầu tiên là hoàn thiện bản thân, chẳng hạn như sống giản dị, khiêm tốn, hòa đồng, thân thiện với mọi người, yêu động vật, bảo vệ môi trường,…”
Là một học sinh đang phải đối mặt với kì thi cuối cấp - bước chuyển mình quan trọng quyết định tương lai, Trung Hoàng lại có suy nghĩ khác về những điều mình cần học tập từ Bác: “Em rất ấn tượng với câu chuyện vừa học ngoại ngữ vừa làm phụ bếp những năm đi tìm đường cứu nước của Bác. Đây cũng là bài học về sự chăm chỉ thúc đẩy bản thân em cố gắng hơn nữa trong việc học tập, rèn luyện”.
Trung Hoàng bên cột cờ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Những người trẻ không là thế hệ trực tiếp chứng kiến những công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, sâu sắc hơn ai hết, họ hiểu rằng chính Bác là người đã cho họ được sống trong hòa bình với sự đầy đủ, ấm no, là tấm gương trong học tập và rèn luyện để họ trở thành công dân tốt góp sức xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng, phát triển./.