Hoa thủy tiên - Thú chơi tao nhã của người Hà Nội
Đối với người Hà Nội, chơi hoa ngày Tết vốn là thú tao nhã, thưởng hoa thủy tiên càng thể hiện vẻ thanh lịch, hào hoa.
Mỗi dịp Tết, tại các chợ hoa ở Hà Nội, thủy tiên luôn được bày bán bên cạnh nhiều loại hoa phổ biến khác như cúc mâm xôi, hoa lan, hoa ly ly, đỗ quyên… Dù lặng lẽ, bé nhỏ, những củ thủy tiên trắng muốt đặt trong bình thủy tinh trong suốt vẫn có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với khách yêu hoa. Mỗi củ thủy tiên mang một dáng vẻ khác nhau, mà chỉ người sành chơi mới biết phân biệt và hiểu hết ý nghĩa ẩn trong đó. Ông Nguyễn Lân, ở đường Bưởi, Cầu Giấy, năm nào cũng dành thời gian đi khắp các chợ hoa xuân, mong tìm được 2 củ thủy tiên như ý đặt trên bàn thờ gia tiên.
Ông Lân cho biết: Chọn thủy tiên khó nhất là tìm được củ nào nở hoa đúng đêm giao thừa: “Tối 30 Tết phải lùng mua thủy tiên để tìm được củ mà có thể giao thừa nở 1 – 2 bông, thế mới là sành chơi”.
Hoa thủy tiên không rực rỡ như những loài hoa khác, nhưng lại có mùi hương ngào ngạt, dịu dàng và bay xa. Người ta ví hoa thủy tiên như chén ngọc đĩa ngà bởi những dáng hoa tròn xinh, trong vàng tươi, ngoài lại trắng tinh khiết. Một bình thủy tiên đẹp hoa nở phải chụm vào nhau như cái đĩa, lá ngắn, xanh mượt và khỏe khoắn, củ trắng không tỳ vết, rễ dài tạo dáng trong bình nước.
Ông Nguyễn Đoan, ở Ngọc Hà, Ba Đình kể: Thời ông còn nhỏ, vẫn còn những cuộc thi hoa thủy tiên của những người sành chơi ở Hà Nội. Ông thường được đi theo bố ra đình xem những bình thủy tiên đẹp mắt, được chăm sóc cầu kỳ tạo thành thế phượng múa, long giáng, hạc chầu, tiên sa, rồng bay... Người Hà Nội xưa, chỉ những nhà sang trọng, giàu có mới có điều kiện chơi thuỷ tiên vào dịp Tết vì loại hoa này rất quý và đắt. Mỗi đêm giao thừa, những người thích chơi thủy tiên ngồi chăm chú bên bình hoa, đợi đến thời khắc hoa nở. Nếu hoa nở đúng lúc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn.
Thú chơi hoa thủy tiên có truyền thống lâu đời ở Hà Nội. Bởi thế, trồng thủy tiên là cách để tìm về quá khứ, lưu giữ một nét văn hóa thanh tao, nho nhã. Ông Lê Hữu Quyết, ở Nghi Tàm, Tây Hồ, nghệ nhân đã gắn bó cả cuộc đời với thủy tiên chia sẻ: Làm được một bình thủy tiên đẹp mất rất nhiều công sức, dù chỉ trong khoảng thời gian trước Tết 25 ngày. Củ hoa thuỷ tiên mua về lúc còn khô, sau đó ngâm vào nước cho củ tươi lại, căng lên rồi mới lấy ra gọt tỉa, đây chính là việc khó khăn nhất, đòi hỏi người gọt tỉa ngoài sự khéo tay còn phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Chỉ cần sơ ý một chút là củ thuỷ tiên sẽ hỏng, mất hết thế đẹp, có khi hỏng cả bình hoa. Để tạo thế cho hoa, người gọt phải biết đoán định gọt đúng mặt và hướng của mầm hoa. Đây được coi là kỹ thuật đòi hỏi nhiều kinh nghiệm mà chỉ những người chơi hoa lâu năm mới có. Bên cạnh đó, mỗi sáng đều phải thay nước cho hoa, để củ và rễ hoa luôn sạch sẽ, không bị ố màu”.
Làm được một bình hoa mất nhiều công |
Dẫu mất nhiều thời gian và công sức, nhưng hoa thủy tiên vẫn mê hoặc người trồng. Ở Nghi Tàm, nơi cung cấp chủ yếu hoa thủy tiên cho Hà Nội, có những gia đình mấy đời đều trồng hoa thủy tiên. Ngày nay diện tích đất bị thu hẹp, nhiều người yêu hoa vẫn trồng thủy tiên trên sân thượng, hay chỉ tận dụng nơi ban công làm thú vui dịp Tết.
Những bình hoa thủy tiên nhỏ xinh được bày bán ở khắp các chợ hoa xuân, góp hương sắc làm nên không khí Tết cho Hà Nội. Với giá từ 200.000 đến 300.000 đồng/bình, thủy tiên vẫn là loài hoa được nhiều người Hà Nội trân trọng, yêu mến, không chỉ người già mà ngay cả các bạn trẻ. Nhiều người chọn mua hoa thủy tiên, chỉ đơn giản là thích mùi hương đặc biệt, say lòng trong khí se lạnh của đất trời.
Ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên và bàn tiếp khách, có những bình hoa thủy tiên thơm ngát hương, đó là cách chào xuân của nhiều gia đình Hà Nội. Không quên cành đào, cây quất, nhưng trong nhà có thêm bình thủy tiên hoa nở tinh khôi, thể hiện nét văn hóa tao nhã, sang trọng và lịch thiệp. Không ồn ào, những bình thủy tiên nhỏ nhắn, quý phái vẫn ẩn chứa bên trong sức sống mãnh liệt, sức hấp dẫn mỗi người yêu hoa, dù cuộc sống đã nhiều đổi thay./.