Hoạt động tình nguyện để có trách nhiệm hơn với cộng đồng

(VOV) - Trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đại biểu đánh giá một số hoạt động tình nguyện có lúc còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Chiều 11/12, trong khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, tại Hội trường trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (Hà Nội) đã diễn ra buổi thảo luận “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đặt ra nhiều vấn đề, đồng thời đánh giá nguyên nhân, thực trạng của phong trào “xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” được các cấp bộ Đoàn triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhiều địa phương.

 
 PGS. TS Nguyễn Văn Kim (Phó hiệu trưởng Trường ĐHKHXHNV) trao kỷ niệm cho đại biểu tham gia buổi thảo luận

Bên cạnh những thành tựu mà phong trào Thanh niên tình nguyện đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đại biểu đánh giá một số hoạt động tình nguyện có lúc còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Trong tổ chức triển khai hoạt động tình nguyện còn thiên nhiều về số lượng tình nguyện viên, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động.

Hoạt động tình nguyện thường xuyên, tình nguyện tại chỗ tuy đã được chú trọng hơn nhưng vẫn chưa thu hút được đông đảo thanh niên trên địa bàn tự giác tham gia. Phong trào Thanh niên tình nguyện chưa được bổ sung điều chỉnh kịp thời, một số lĩnh vực mới cần hoạt động tình nguyện nhưng chưa được đáp ứng.

 

Tham gia công tác đoàn hơn 1 năm nay, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Dung – bí thư đoàn thị trấn Kim Sơn – Hòa Bình chia sẻ những kinh nghiệm và kết quả mà cơ sở đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua. Cụ thể, tại các đoạn đường thanh niên tự quản đã không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi. Vào tuần cuối cùng của tháng, ngoài số lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn, Đoàn còn kết hợp với trường THCS Kim Sơn để các em khối 9 được tham gia vào các hoạt động tình nguyện tại địa phương như thu gom rác thải, phế liệu trên địa bàn. Cùng với đó, thị trấn Kim Sơn còn tổ chức nhiều mô hình như quyên góp, tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vào mỗi dịp Trung thu, Tết thiếu nhi… Đây cũng là nơi để các em nhỏ thiệt thòi, không có người thân được tham gia các hoạt động tập thể, để các em có thể cảm nhận được tình cảm của xã hội dành cho các em.

Nhiều bạn trẻ cho biết được tham gia hoạt động tình nguyện là cơ hội cũng như môi trường tốt để rèn luyện ý thức trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm với những hoàn cảnh khó khăn, với cộng đồng xung quanh.

Chia sẻ về phong trào Thanh niên tình nguyện tại cơ sở, ĐB Nguyễn Thanh Chương –Ủy viên thường vụ thành đoàn Hà Nội cho biết hiện nay ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng nhiều thanh niên biến việc đi tình nguyện thành việc đi du lịch,  kỹ năng của các tình nguyện viên hiện nay còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, việc huy động nguồn lực còn rất nhiều khó khăn. Có những lần thành đoàn đã vận động được hàng chục tấn quần áo mang đi ủng hộ đồng bào, nhưng kinh phí để thuê những chuyến xe chở lên vùng sâu vùng xa hiện nay phải mất từ 15 – 20 triệu/ chuyến xe. Nên việc huy động để có một số tiền lớn như vậy thật không dễ dàng. Hay có những nơi thành đoàn tổ chức các đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí nhưng việc thuê những chuyến xe chở tình nguyện viên thì lại cả một vấn đề.

Về nhận định phát triển mạnh mẽ, đa dạng các loại hình tình nguyện, mở rộng các định hướng các mô hình quản lý tự phát, theo ĐB Chương đây là một yếu tố tất yếu. Vì xã hội ngày càng phát triển, nhiều loại hình, tổ chức tình nguyện cũng phát triển theo, kéo theo số lượng tình nguyện viên ngày càng đông đảo, không phân biệt lứa tuổi. Từ đó nhiều câu lạc bộ (CLB) tình nguyện tự phát được ra đời.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của các CLB tự phát này, vẫn còn nhiều bất cập tồn tại như về cách thức quản lý, điều phối cũng như công tác định hướng. Để mô hình CLB tình nguyện tự phát phát huy được tiềm lực của mình, ĐB Chương kiến nghị, trước hết cần phải đặt ra việc quản lý những câu lạc bộ này như thế nào. Việc thứ hai là cần định hướng cho các CLB như làm tình nguyện ở đâu, xin tài trợ, nguồn lực ra sao, tránh tình trạng như hiện nay nhiều CLB mới được thành lập một thời gian ngắn đã tan rã. Ngoài ra chúng ta cũng cần quan tâm tới việc điều phối các hoạt động tình nguyện, kết nối các địa phương, để giúp các cơ sở có được những gì mà họ cần, chứ không phải mang đến những cái mà họ đã có sẵn. Bên cạnh đó, cần động viên khen thưởng kịp thời , để khích lệ tinh thần cũng như những chính sách đối với các tình nguyện viên. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông của các hoạt động tình nguyện.

Cũng trong khuôn khổ buổi thảo luận, nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu còn xoay quanh các nhận định như hướng hoạt động tình nguyện trực tiếp đóng góp vào sự phát triển bền vững và tham gia giải quyết những vấn đề lớn của đất nước và có tính toàn cầu như bảo đảm an sinh xã hội, tham gia phát triển y tế, giáo dục ở cơ sở, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông; xây dựng và hoàn thiện mô hình quản lý và điều phối ở các cấp quốc gia với các hoạt động tình nguyện, nghiên cứu đề án xã hội tình nguyện, mở rộng hợp tác quốc tế về công tác tình nguyện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên