Học cách lắng nghe để trở thành người đồng hành cùng con
VOV.VN - Làm thế nào để nuôi dạy con đúng cách? Làm thế nào để thấu hiểu được con, lắng nghe và đồng hành cùng con trong độ tuổi hình thành nhân cách?
Khi “thương cho roi cho vọt” không còn đúng đắn
Chị Nguyễn Thị Dung (Thanh Hóa) có một bé 7 tuổi, một bé 2 tuổi chia sẻ: “Bé nhà mình được chuẩn đoán tăng động nhẹ nên nhiều lúc không thể ngồi yên. Đôi lúc làm việc mệt mỏi thấy con hiếu động mình lại nổi nóng và phạt con bằng roi vọt, dần dần bé không còn tâm sự nhiều với mẹ mà ngày càng thu mình lại". Nhận thấy điều đó, chị Dung vẫn loay hoay tìm kiếm phương cách giao tiếp phù hợp để con mở lòng, đặc biệt là rèn luyện việc hạn chế nổi nóng bằng đòn roi với con.
Tại Hội thảo về “Giải toả cơn nóng giận - Học cách lắng nghe”, 100% phụ huynh tham gia thừa nhận mình đã ít nhất một lần nổi nóng với con. |
Chị Dung chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bày tỏ tại chuỗi hội thảo “Giải tỏa cơn nóng giận, học cách lắng nghe” dành cho gần 500 phụ huynh tại Thanh Hóa, Nghệ An do Apax Leaders tổ chức vừa qua. Anh Phạm Ngọc Anh (Nghệ An) có con trai 12 tuổi cũng băn khoăn “Tôi rất lo ngại về hiện tượng tự tử ở độ tuổi vị thành niên đang ngày một gia tăng. Việc con không thể chia sẻ với cha mẹ là một trong những nguyên nhân chính dồn nén những áp lực dẫn đến trầm cảm. Tôi luôn đặt câu hỏi rằng tại sao khi chúng ta, những người lớn bực tức có thể viện cớ để trút những điều đó lên con trẻ, còn các con lại không được sống thật với những cảm xúc của mình?”.
Thấu hiểu những băn khoăn đó, diễn giả Nguyễn Hồ Thuỵ Anh - Chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường Phát triển Tài năng và Tính cách John Robert Powers chia sẻ về mô hình cửa sổ Joe-Harry: “Khi bạn mở một cửa sổ cảm xúc, mà bạn lại mở điều bạn muốn chứ không quan tâm điều mọi người muốn là bạn đã vô tình lây lan những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Điều không chỉ tác động xấu đến người đối diện mà đôi khi còn bật ngược lại chính bạn, gây nên những hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý”.
Những phương pháp giáo dục mới dành cho cha mẹ hiện đại
Tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng không nhỏ đến phương pháp giáo dục truyền thống của đa số các gia đình châu Á. Đặc biệt tại Việt Nam, những câu châm ngôn như: “Cá không ăn muối cá ươn…” hay “Thương cho roi cho vọt” đã ăn sâu vào tiềm thức của các bậc phụ huynh trong việc dạy con. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng tiến bộ và hội nhập, phương pháp này đã không còn phù hợp khi đa số phụ huynh chia sẻ rằng mình là muốn trở thành một người bạn, người thầy, người đồng hành của con.
Để làm được điều đó, đầu tiên cha mẹ cần học được cách giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, học cách lắng nghe để khiến con thoải mái chia sẻ tâm tư, tình cảm với mình. Tại Hội thảo “Giải tỏa cơn nóng giận, học cách lắng nghe” được tổ chức mới đây, với việc chia sẻ quá trình 3R (Nói lại - Diễn đạt lại - Nhìn lại), Magic Word (từ thần kỳ) hay cửa sổ Joe - Harry, đồng thời thông qua các câu chuyện gần gũi, thực tế, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hồ Thuỵ Anh đã khiến các bậc phụ huynh vỡ oà khi tìm ra những điều quý giá trong việc lắng nghe và thấu hiểu con mình.
Với phương pháp “Repeat - Rephrase - Review”, cha mẹ có thể thật sự lắng nghe để con sẵn sàng chia sẻ những điều con đang suy nghĩ mà không sợ bị áp đặt, so sánh, phản đối… Bên cạnh đó, dành “60 phút tâm sự mỗi ngày” qua các trò chơi như “chúng ta là bạn”, “tổng đài lắng nghe”… cũng giúp các bậc phụ huynh dành nhiều thời gian hơn trong việc khám phá những bí mật mà thông thường con giấu kín hoặc chỉ chia sẻ với bạn bè cùng trang lứa. Đặc biệt, trong lúc nóng giận, phụ huynh được khuyến cáo không nên giao tiếp ngay lập tức với con mà hãy học cách gọi tên cảm xúc, sau đó tìm một không gian phù hợp để bình tĩnh lại. Hành trình cùng con khôn lớn cũng là thời điểm mà mỗi bậc phụ huynh học được cách tự mình trưởng thành hơn, tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn trong việc trở thành cha mẹ hiện đại.
Qua những chia sẻ từ chuyên gia, nhiều phụ huynh đã lý giải được vì sao con thường chọn cách bướng bỉnh, không nghe lời, vì sao cha mẹ thường không kiểm soát được cảm xúc của bản thân và thường giải quyết bằng phương pháp quát mắng, đòn roi. “Giá chị có cơ hội tham gia hội thảo này sớm hơn, chị đã có thể trò chuyện cùng con để giải tỏa những khủng hoảng mà con phải chịu đựng. Giờ chị mới hiểu hành động khi nóng giận chỉ giải tỏa cảm xúc ích kỷ của bản thân chứ không hề làm con tốt lên” - chị Trần Thị Thanh Chung (Thanh Hóa) nghẹn ngào nói.
Hội thảo “Giải tỏa cơn nóng giận, học cách lắng nghe” nằm trong khuôn khổ của chương trình giáo dục chuyển đổi tư duy The Leader in Me. Đây là cơ hội ý nghĩa dàn cho tất cả phụ huynh có con trong độ tuổi từ 4-18 tuổi quan tâm. Quý phụ huynh quan tâm đến chương trình có thể đăng ký tham gia miễn phí tại đây./.