Không bắt học sinh mặc đồng phục nếu không đủ ấm

Đối phó với thời tiết lạnh kéo dài, ngành Giáo dục đã có nhiều biện pháp điều chỉnh phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho học sinh và chương trình học

Những đợt lạnh liên tục kéo dài trong những ngày qua đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. Một trong những nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất của giá rét là các em học sinh tiểu học và mẫu giáo. Ngành giáo dục đào tạo các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội đã có những biện pháp điều chỉnh phù hợp để vừa đảm bảo chương trình học, vừa giữ gìn sức khoẻ cho các học sinh không bị cảm lạnh, ốm khi mà mùa Đông còn kéo dài và được dự báo là sẽ có nhiều đợt rét đậm.

Tại trường tiểu học Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng, từ 2 tuần nay thay vì học vào 8 giờ kém 15 như trước đây, Ban giám hiệu nhà trường đã cho lùi thời gian đến 8 giờ mới bắt đầu học để học sinh tránh giá rét vào buổi sáng sớm. Cô giáo Phạm Bích Diệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong thời gian vừa rồi, khi có dự báo về đợt rét kéo dài, nhà trường đã có kế hoạch chuấn bị chăn ấm cho các cháu đồng thời không yêu cầu các cháu phải phải mặc quần áo đồng phục mùa đông. Vì những bộ đồng phục ấy chỉ có 2 lớp không đủ ấm cho các cháu…”.

Tại trường Tiểu học Tô Hoàng, những ngày này, nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời, học sinh đến trường đều vào lớp ngay, đảm bảo giữ ấm cho học sinh. Theo cô Nguyễn Kim Dung, Hiệu trưởng trường Tô Hoàng, là cấp tiểu học, có nhiều học sinh bán trú, cho nên Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm chăm sóc sức khoẻ cho học sinh, đảm bảo đủ suất ăn, chế độ ăn hợp lý, cơm, thức ăn luôn đủ nóng; chỗ nghỉ trưa ấm áp; luôn có nước ấm phục vụ học sinh trong những ngày lạnh giá. Cô giáo Nguyễn Kim Dung cho biết, để tránh thời tiết lạnh lúc sáng sớm, nhà trường lui giờ học muộn 15 phút và cũng lui giờ tan học 15 phút. Thời lượng giờ dạy với mỗi môn học vẫn đảm bảo.

Tại các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Phúc Thọ… không ít nơi cơ sở vật chất của trường lớp còn kém, học sinh lại thường phải đi học xa, qua những cánh đồng, những nơi có gió lộng…; nhiều gia đình học sinh khó khăn không đảm bảo đủ ấm cho con em mình. Phòng Giáo dục các huyện đã chủ động có những biện pháp để đảm bảo việc học và sức khoẻ cho học sinh. Ông Lê Ngọc Tôn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết, qua liên tục theo dõi nhiệt độ thực tế ở địa phương, Phòng Giáo dục vẫn cho phép học sinh tiếp tục đến trường. Tuy nhiên, cũng có dự phòng trường hợp diễn biến thời tiết xấu để chỉ đạo kịp thời các trường. Theo biên chế năm học, nếu nhiệt độ xuống thấp quá theo quy định, các nhà trường chủ động cho học sinh nghỉ học và bố trí thời gian học bù chương trình. Hiện nay, toàn bộ việc thông tin liên lạc ở Ba Vì đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở đều thông qua thư điện tử, nên trường hợp nhiệt độ xuống thấp, Phòng Giáo dục sẽ có công văn chỉ đạo kịp thời”.

Việc các nhà trường có biện pháp đối phó với giá rét, bảo vệ sức khoẻ học sinh được nhiều phụ huynh ủng hộ và hoan nghênh. Ông Trần Minh Duyên ở phố Khâm Thiên đánh giá cao chủ trương này của các trường, bởi trong tình hình rét đậm rét hại, để cho học sinh học muộn đảm bảo sức khoẻ cho là rất phù hợp.

Nhiều phụ huynh cho biết họ liên tục theo dõi dự báo thời tiết để phối hợp cùng nhà trường để mặc đủ ấm cho con em khi đi học. Nếu nhiệt độ xuống dưới 10 độ C thì chủ động cho các cháu nghỉ như thông báo của nhà trường.  Cũng từ thực tế như cô Nguyễn Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hoàng đã nói, Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các trường trên toàn địa bàn, nhất là khu vực ngoại thành, nông thôn không bắt buộc học sinh phải mặc quần áo đồng phục nếu không đủ ấm. Qua đây cũng cho thấy việc thiết kế đồng phục mùa Đông cho học sinh các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, nhất là vùng miền núi cần phải được nghiên cứu kỹ để đảm bảo cho học sinh vừa đủ ấm, vừa thực hiện đúng quy định mặc đồng phục vào các ngày đầu tuần và cuối tuần.

Trong mùa Đông này, theo dự báo sẽ còn nhiều đợt rét đậm, rét hại nữa ở miền Bắc. Vì vậy, ngành giáo dục đào tạo, các trường học, chính quyền ở các thành phố, vùng nông thôn, miền núi, vùng cao và các lớp điểm lẻ, địa bàn khó khăn cần tiếp tục quan tâm phòng chống rét cho học sinh; kiểm tra tu sửa cơ sở vật chất trường học, đảm bảo hệ thống cửa kín tránh gió và đủ ánh sáng trong lớp nhằm thực hiện được mục tiêu cao nhất vừa giữ gìn sức khoẻ cho học sinh, vừa đảm bảo chương trình học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên