Không tùy tiện đốt rơm!

Tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa diễn ra ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương, làm này ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của người dân và là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông.  

Trước đây, sau khi tuốt lúa, bà con nông dân thường gom rơm rạ mang về nhà để đun nấu hoặc làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, hiện nay, rất ít người dân đưa rơm rạ về nhà. Họ gom rơm rạ còn tươi thành những đống lớn rồi đốt ngay tại ruộng. Rơm rạ ướt bị đốt tạo thành những đám khói đặc quánh bao trùm một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống quanh khu vực đó và là nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Chị Trần Thị Phương, đội 3, thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội than thở: “Mùa hè, người dân đốt rơm rạ khiến không khí càng thêm nóng bức, ngột ngạt, khó chịu. Gió còn đưa khói lan tỏa khắp vùng, che lấp tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông, dễ gây ra tai nạn. ở địa phương tôi đã xảy ra tai nạn chết người liên quan đến khói rơm rạ”.

Nhiều người dân cho rằng, đốt rơm rạ ngay ngoài đồng là biện pháp thuận tiện nhất, vừa đỡ mất công vận chuyển về nhà, vừa triệt được nguồn sâu bệnh và cỏ dại, tăng dinh dưỡng cho đất. Họ cũng biết việc làm này gây tác hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng song để tiện việc nên vẫn nhắm mắt làm liều. Ông Nguyễn Hữu Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội thừa nhận: “Biết là gây tác hại đến môi trường nhưng nếu không đốt thì biết vứt rơm rạ đi đâu?”.

Nhiều hệ luỵ phát sinh từ việc đốt rơm

Tuy nhiên, người đốt rơm rạ chỉ mới nhìn thấy cái lợi trước mắt chứ ít ai biết rằng, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng gây bất lợi cho chính đồng ruộng. Do bị hun đốt ở nhiệt độ cao, đất sẽ bị khô, một lượng nước lớn bốc hơi. Đồng thời, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất biến thành các chất vô cơ nên than của rơm rạ cũng chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng.

Theo PGS.TS Bùi Huy Phú, chuyên gia về lĩnh vực hô hấp, khói rơm rạ gây tác hại lớn đối với sức khoẻ con người. Trẻ em, người già, người mắc các bệnh về đường hô hấp dễ bị ảnh hưởng nhất. Thành phần các chất gây ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ là các dẫn xuất của dioxin độc hại, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Đối với những người có cơ địa dị ứng, hít phải khói rơm rạ sẽ làm phế quản bị co thắt, gây nên những cơn khó thở, đặc biệt nguy hiểm đối với những người bị bệnh viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn.

Đáng lo là, chính quyền địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn cũng như hướng dẫn cho người dân cách xử lý rơm rạ hiệu quả để không gây ảnh hưởng đến môi trường. Các địa phương cần có biện pháp ngăn chặn việc đốt rơm rạ tùy tiện. Ngành nông nghiệp cũng cần hướng dẫn người dân sử dụng rơm rạ để làm nguyên liệu tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như nấm, làm các tấm ván xây dựng, làm bìa các tông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên