Kích cầu du lịch nội địa, hướng đi của các công ty lữ hành Việt
VOV.VN - Xu hướng du lịch trong thời điểm hiện nay được du khách lựa chọn và đưa lên ưu tiên hàng đầu đó là những chuyến du lịch ngắn ngày gần nhà.
Dịch covid-19 làm đảo lộn cuộc sống, khiến cho bao ngành nghề rơi vào khủng khoảng, đóng băng, trong đó có du lịch. Gần như 100% các công ty đóng cửa, tour bị hủy cho đến tận tháng 9-10 kéo theo đó bao người mất việc, cuộc sống khó khăn. Là ngành bị ảnh hưởng mạnh nhưng dự báo cũng là ngành phục hồi trước tiên.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm đến 68% so với cùng kỳ năm ngoái. 3 tháng tiếp theo, dự kiến còn tồi tệ hơn khi mà toàn ngành du lịch gần như tê liệt do tình trạng cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh. Ngành du lịch vẫn chưa thể xác định được thời điểm nào mới có thể phục hồi bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hiện các thành phố lớn đều lần lượt mở cửa các điểm du lịch. Các công ty lữ hành, các nhà hàng, khách sạn đều đã sẵn sàng đón du khách. Tuy nhiên, bài toán làm sao vừa hoạt động đón khách vừa đảm bảo an toàn khiến các công ty du lịch thay đổi cách làm. Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nghiệp vụ Chất lượng quốc tế (Golden Tour), cho biết thị trường trọng tâm của công ty không mở rộng như trước đây, thời điểm này công ty chỉ tập trung vào khách nội địa. “Hiện GoldenTour đã và đang làm việc với các đối tác khách sạn, vận chuyển các tỉnh thành để chuẩn bị các tour nội địa và dịch vụ ngắn ngày cho khách nội địa. Hiện sản phẩm tập trung vào các nhóm khách gia đình và nhóm nhỏ. Các tour tháng 5 - 6 sẽ tập trung các tour ngắn ngày và đường bộ. Đến tháng 6 – 7 khi tần suất hàng không hồi phục sẽ tiếp tục các tour nội địa miền Trung và miền Nam”, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa cũng là hướng phát triển của Công ty cổ phần du lịch SBTOUR. Ông Nguyễn Ngọc Bách, giám đốc công ty SBTOUR cho hay: “Sau dịch SBTOUR cũng như nhiều công ty du lịch khác cũng nhanh chóng đẩy mạnh thị trường nội địa. SBTOUR tập trung vào đối tượng là nhóm nhỏ các gia đình. Điểm đến trọng điểm vẫn là: Sapa, Halong ngủ tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc…Còn khách đoàn thì công ty tập trung vào thế mạnh từ trước dến nay là mảng Event và Teambuilding, tổ chức các tour cho các cơ quan đoàn thể, các KCN cho CBNV đi tập huấn kết hợp nghỉ dưỡng với các tour có thời lượng 1 đến 4 ngày. Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên giai đoạn đầu sau dịch, công ty khởi động để duy trì lượng khách. Hy vọng cuối năm, ngành du lịch sẽ phục hòi nhanh chóng, đi vào ổn định”.
Tính từ 16-2/5 (16 ngày), Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Các điểm du lịch của các tình thành đã mở cửa trở lại, tuy nhiên ưu tiên hàng đầu của khách hàng hậu đại dịch đã thay đổi. Tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn sẽ đeo bám, do đó yếu tố an toàn được khách hàng đặt lên hàng đầu. Những điểm đến gần, hạn chế di chuyển xa cũng là sự lựa chọn của du khách. Chị Lan Hương, du khách ở Hà Nội cho hay: “Mấy tháng trời chỉ quanh quẩn trong nhà để tránh dịch, giờ mọi thứ trở lại bình thường nhưng không có nghĩa là chúng ta chủ quan. Gia đình tôi cũng luôn ý thức được điều đó tuy nhiên cũng không cực đoan chọn cách ở trong nhà mãi được. Vì vậy chúng tôi vẫn lên kế hoạch và chọn những điểm đến an toàn cho gia đình nghỉ ngơi trong dịp lễ này. Hạ Long là điểm đến mà chúng tôi chọn lựa vì khoảng cách gần với Hà Nội nên di chuyển bằng xe cá nhân an toàn hơn. Với lại chính quyền Quảng Ninh đã làm rất tốt trong công cuộc chống dịch Covid-19 vừa qua nên gia đình chúng tôi rất tin tưởng”.
Xu hướng du lịch trong thời điểm hiện nay được du khách lựa chọn và đưa lên ưu tiên hàng đầu đó là những chuyến du lịch ngắn ngày gần nhà. Lựa chọn đó giúp du khách giải tỏa cảm giác được “giải phóng” trong thời gian hậu giãn cách xã hội. Lựa chọn đó còn đảm bảo về an toàn sức khỏe, tiết kiệm ngân sách, giảm rủi ro và đem lại tâm lý yên tâm trong mỗi du khách.
Bà Nguyễn Thị Yến, giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Hanoi Trip cũng chọn cách đẩy mạnh du lịch nội địa. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Yến lý giải: “Đẩy mạnh du lịch nội địa chờ thế giới bình ổn về dịch. Tuy nhiên sẽ xảy ra tình trạng dịch vụ nội địa tăng đột biến do cầu nhiều hơn cung. Vì vậy Hanoi Trip hướng theo dòng sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, detox, chữa lành. Sau dịch bệnh, người dân ý thức hơn về sức khoẻ và cuộc sống bình dị. Các sản phẩm của công ty hướng đến hướng đến đông đảo người dân. Đồng thời công ty tập trung khai thác du lịch tại các địa phương, phục vụ chính người dân địa phương. Bên cạnh đó xây dựng các Tour du lịch dành cho gia đình, nhóm bạn. Tập trung vào các điểm gần Hà Nội như Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Giang…".
Nắm bắt được xu hướng đó, các công ty lữ hành trong nước hướng tới đẩy mạnh kích cầu nội địa, tập trung vào các nhóm khách nhỏ, khách gia đình, điểm đến gần. Đây cũng là yếu tố có lợi cho quá trình phục hồi của ngành du lịch Việt Nam./.