Kon Tum: Nguy cơ vỡ hồ chứa Đắc Uy

(VOV) - Một số hạng mục của công trình này hư hỏng nặng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao khi bão số 7 đang tới gần.

Hồ chứa nước Đắc Uy, huyện Đắc Hà là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Kon Tum, với dung tích chứa tới trên 29 triệu m3 nước bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là từ sau cơn bão số 9 năm 2009. Do không được sửa chữa kịp thời, một số hạng mục của công trình này hư hỏng nặng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao khi bão số 7 đang tới gần.

Tất cả những gì mà Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum đang làm để đối phó với mưa bão tại Thủy lợi Đắc Uy, là cho lực lượng bê những tảng đá kè vào đoạn xói lở cuối đường tràn xả lũ. Dù có phương tiện cơ giới hỗ trợ, song với vết xói lở dài hơn 100m, sâu trung bình 5m, rộng khoảng 10m, với trên 3.000m3 đất đá, bê tông đã bị cuốn trôi, xem ra công việc đang tiến hành chỉ như “muối bỏ biển”.

Ông Đào Văn Giang, Trạm trưởng Trạm quản lý thủy nông Đắc Hà cho biết: “Chương trình chống sạt lở chỉ tạm thời trong cơn bão số 7, tại vì nước rất lớn. Hiện tại nếu mưa to thì qua tràn tới 60 – 70 cm nước. Nếu mưa lớn hơn nữa, sạt lở thì phải cùng với UBND huyện di dân”.

Có mặt tại hiện trường kè chống xói lở công trình thủy lợi hồ chứa Đắc Uy, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắc Hà cho biết: Nếu tình huống xấu xảy ra, tính mạng và tài sản của khoảng 7.000 dân ở các tổ dân phố 3, 7, 12 của thị trấn Đắc Hà và thôn 11 xã Đắc Ui bị đe dọa trực tiếp. Bên cạnh đó, thiệt hại đối với sản xuất của địa phương là vô cùng lớn.

Trước sự đe dọa của bão số 7, địa phương đã có phương án ứng phó với các tình huống, kể cả tình huống vỡ đập, trước hết là phối hợp với Ban Quản lý khắc phục xả tràn lũ ở tuyến kênh phía Bắc; tất cả tập trung cho tràn phụ theo quy định của đập. Hai là chuyển toàn bộ số dân ảnh hưởng trực tiếp của thôn 11 Đắc Ui, tổ dân phố 3, 7 và một số khu vực lân cận của thị trấn Đắc Hà đi nơi khác.

Công trình hồ chứa nước Đắc Uy được xây dựng cách đây 36 năm với dung tích chứa khoảng 26 triệu m3 nước. Đến năm 2008, hồ chứa này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư sửa chữa, nâng cấp để chứa trên 29 triệu m3 nước phục vụ tưới cho hơn 2.500 ha đất canh tác nông nghiệp, tạo nguồn nước sinh hoạt và cắt lũ vùng hạ du.

Năm 2009, nước lũ làm gãy sập tường bên, sập ngưỡng tràn vị trí số 4 và số 5 đường dẫn nước tràn xả lũ. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nhiều khả năng cùng với vị trí số 6 và số 7 mới bị xói lở trong các trận mưa lớn gần đây, các vị trí còn lại của đường dẫn nước tràn xả lũ sẽ tiếp tục bị sập đổ, xói lở sâu về phía thân đập mất an toàn nghiêm trọng hồ chứa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Miền Trung cấm biển, sơ tán dân tránh bão
Miền Trung cấm biển, sơ tán dân tránh bão

(VOV) -Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi.

Miền Trung cấm biển, sơ tán dân tránh bão

Miền Trung cấm biển, sơ tán dân tránh bão

(VOV) -Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi.