Kỳ 2: Từ chuyện “thương hiệu” vịt cỏ Vân Đình

Vịt cỏ không còn, nhưng các quán ăn vẫn lợi dụng thương hiệu này để trục lợi, còn chính quyền địa phương lại thờ ơ.  

Thương hiệu còn - sản phẩm đã biến mất

Với thương hiệu “vịt cỏ Vân Đình” nổi tiếng khắp nơi, thế nên hàng nghìn nhà hàng, quán nhậu khắp trong Nam ngoài Bắc đều treo biển Vân Đình. Nhưng trên thực tế nhiều người, ngay cả chủ quán, chưa hề biết con vịt cỏ hình thù như thế nào, mà họ chỉ biết vịt siêu, vịt bầu cánh trắng…

Đã lâu lắm rồi, vịt cỏ đã biến mất trên cánh đồng Vân Đình, vì không còn ai nuôi (may ra còn vài gia đình nuôi ít con để ăn thịt hoặc đãi khách). Nhưng nhờ thương hiệu này mà rất nhiều quán vịt vẫn làm ăn phát đạt, bằng cách đánh lừa thực khách là vịt cỏ. Vịt là món ăn, nhậu khoái khẩu của nhiều người nên khách hàng hình như cũng dễ tính hơn, nên không ai cần quan tâm đến nguồn gốc của nó nữa thì phải, mà họ chỉ biết ăn thôi.

Những con vịt bầu cánh trắng nướng vàng được người bán hàng quảng cáo là vịt cỏ Vân Đình.

Theo người dân ở thị trấn Vân Đình, mỗi ngày từ đây xuất ra thị trường từ 8.000-10.000 con vịt, chủ yếu bán cho các quán ở ngay Vân Đình và địa bàn Hà Nội. Vịt được các đầu nậu thu mua từ các xã của huyện Ứng Hoà, Thường Tín, Phú Xuyên đem về tập kết tại Vân Đình.

Vịt sau đó được làm lông, mổ bụng và xuất thẳng ra các quán ăn với đủ món, từ lòng mề đến tiết canh, nướng, luộc… Có lẽ vì chúng được xuất đi từ Vân Đình nên ai cũng nghỉ là vịt cỏ.

Trên thực tế vịt cỏ Vân Đình chỉ còn là vịt… ảo. Song điều đáng nói là thương hiệu này chẳng mấy ai quan tâm giữ gìn, mà chỉ hướng đến lợi nhuận. Anh Dương Văn Bốn, người nuôi vịt hiếm hoi ở thị trấn Vân Đình cho biết: “Chúng tôi chỉ biết nuôi vịt đáp ứng nhu cầu thị trường là chính, giá loại vịt nào cao, năng suất thì nuôi chứ chẳng để ý gì thương hiệu cả”.

Còn việc thu mua, giết mổ gia cầm ở đây chưa có sự quan tâm quản lý của các cấp chính quyền địa phương, nhất là trong thời điểm hiện nay dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều nơi. Hàng ngày, hàng nghìn con vịt thương phẩm, thậm chí tiết canh vịt được hãm sẵn, vẫn mang đi khắp nơi mà không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Đây thực sự là điều đáng lo ngại đối với người tiêu dùng.

Khi được hỏi về sự quan tâm chính quyền về công tác phòng dịch, anh Dương Văn Bốn cho biết, chẳng thấy chính quyền ngó ngàng gì. Anh cũng rất lo mỗi khi có dịch cúm gia cầm, thế nên người nuôi vịt phải tự phòng bệnh bằng cách mua thuốc về tiêm và vệ sinh truồng trại, chứ không hy vọng nhiều vào thú y địa phương.

Nghĩ về về việc giữ gìn thương hiệu Việt!

Qua khảo sát của chúng tôi thì Vịt cỏ Vân Đình không còn nữa, mà chỉ còn thương hiệu để thu hút thực khách. Cũng may “tiếng lành đồn xa” nên nhiều người còn biết tới tên món ẩm thực này và cũng chính vì điều này mà các nhà hàng mới lừa được thực khách.

Chuyện nhập nhèm về thương hiệu ở nước ta hình như là chuyện “xưa như Trái đất”, khi không mấy người quan tâm, chỉ có người tiêu dùng là bị lừa. Và cả chuyện khi để mất thương hiệu rồi mới lo đi đòi cũng thường xuyên xảy ra đã để lại những bài học đắt giá.

Thương hiệu cà phê Đắk Lắk bị một công ty của Pháp đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác nhau. Thương hiệu nước mắm Phú Quốc bị Công ty Việt Hương ở Hongkong xin đăng ký bảo hộ ở Trung Quốc. Tại chợ gốm ở làng cổ Bát Tràng thì phần nhiều là hàng Trung Quốc. Về Hà Đông, du khách cũng phải đỏ mắt mới tìm được lụa chính hiệu; rồi cốm làng Vòng được làm từ xôi và đưa từ Đông Anh sang…

Câu chuyện về xây dựng, giữ gìn, phát huy bản sắc của thương hiệu sản phẩm Việt cần được quan tâm chú trọng hơn nữa. Mỗi người dân cần có ý thức bảo về thương hiệu sản phẩm Việt, xây dựng các sản phẩm của Việt Nam như những món đặc sản của vùng miền. Để khi nhắc đến mỗi vùng đất, ta lại nhớ về sản vật độc đáo nơi đó, như nước mắm Phú Quốc, cốm làng Vòng hương vị đặc sắc của Hà thành; nhãn lồng ngon nhất chỉ có ở Hưng Yên; nem chua của người xứ Thanh hay kẹo cu-đơ của người Nghệ - Tĩnh…  Mỗi món đặc sản đều có những bí quyết và sự tâm huyết của con người làm ra nó.

Làm thế nào có thể xây dựng thương hiệu vững chắc, chiếm được cảm tình của khách hàng, và truyền tải một cách hiệu quả giá trị độc đáo của thương hiệu đang được đặt ra những thử thách. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm một cách bền vững, khoa học cần được quan tâm chú trọng của của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên