Ký sinh trùng ở bọ xít hút máu người lây nhiễm sang chuột
Đây là một kết luận quan trọng, là cơ sở để các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề “liệu ký sinh trùng ở bọ xít hút máu có lây bệnh sang người không”.
>> Bọ xít hút máu nguy hiểm đến thế nào?
Kết quả nghiên cứu về bọ xít hút máu người của 4 đơn vị gồm Phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam; Viện Thú Y; Viện Ký sinh Trùng, côn trùng Quy Nhơn cho thấy đã tìm thấy ký sinh trùng giống Trypanosoma trong cơ thể những mẫu bọ xít hút máu người tìm thấy ở nước ta.
Thí nghiệm cũng cho thấy ký sinh trùng ở bọ xít lây nhiễm được sang chuột. Đây là một kết quả quan trọng, là cơ sở để các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề “liệu bọ xít hút máu có lây bệnh sang người không”.
Tiến sỹ Y học Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn, thuộc Bộ Y tế cho biết: Hiện nay nhóm nghiên cứu đang làm rõ máu trong các cá thể bọ xít là của người hay của súc vật và tiếp theo sẽ lấy mẫu máu của những người ở các hộ phát hiện ổ bọ xít nghiên cứu xem có bị nhiễm bệnh hay không.
Theo TS Triệu Nguyên Trung thì đây chỉ là dấu hiệu ban đầu cho thấy xuất hiện ký sinh trùng nội bào chứng tỏ loài bọ xít này giống như ở Nam Mỹ, có khả năng truyền bệnh. Còn khả năng gây bệnh ở người thì phải có bước nghiên cứu khác. Vì vậy chưa thể xác định được khả năng lây bệnh.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, các loại bọ xít, rệp hút máu người tồn tại ở Việt Nam đã lâu, nhưng chúng chỉ gây khó chịu tại chỗ chứ chưa xác định truyền bệnh nguy hiểm. Người dân không nên quá hoang mang lo lắng.
Nếu vô tình bị côn trùng lạ đốt thì nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt (tránh gây xước và viêm nhiễm). Đồng thời, đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm tại chỗ./.