Lai Châu: Bao giờ hết cảnh mưa lũ là sạt lở, ách tắc?
(VOV) -Đảm bảo giao thông mùa mưa lũ ở Lai Châu vốn đã khó do yếu tố địa hình, địa chất, lại bí về vốn.
Hàng chục điểm giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu có nguy cơ sạt trượt bất cứ lúc nào trong mùa mưa lũ. Mới vào mùa mưa bão năm nay, nhưng đã có nhiều điểm bị sạt lở trên quốc lộ 4D, quốc lộ 12, tỉnh lộ 127, gây ách tắc giao thông từ 2 - 3 ngày, trong khi nguồn kinh phí mua sắm vật tư dự phòng cho các đơn vị duy tu bảo dưỡng đường bộ lại chưa được cấp.
Nhiều đoạn sình lún, sạt lở trên quốc lộ 12 |
Cứ vào mùa mưa lũ, nhiều điểm trên tuyến quốc lộ 12, từ Km0 đến Km60, đoạn từ Pa So, huyện Phong Thổ đi huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu lại có nguy cơ sạt trượt, sụt lún. Tại đây, nhiều điểm đã có đá từ trên triền núi cao rơi xuống, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Hiện tại, tuyến đường này đang nâng cấp, cải tạo, việc tắc nghẽn giao thông là điều không thể tránh khỏi. 3 đơn vị thi công tuyến đường này phải thường trực 24/24 giờ để khắc phục hiện tượng sạt lở.
Không chỉ khó khăn về địa hình chia cắt phức tạp, địa chất thiếu ổn định, mà nhiều tuyến đường ở Lai Châu còn không có sóng thông tin liên lạc, khi phát hiện sự cố xảy ra phải đi hàng chục km mới thông tin được, nên ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo khắc phục. Đặc biệt, các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường còn khó và bí về vốn.
Tích cực thi công giải tỏa ách tắc trên quốc lộ 4D |
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu, do nguồn kinh phí mua sắm vật tư chưa được cấp, thậm chí nguồn vốn tu sửa, bảo dưỡng đường bộ từ năm 2011, 2012 chưa được thanh toán, với số tiền thiếu nợ 8,4 tỷ đồng, các đơn vị khó chủ động trong việc dự trữ vật tư, vật liệu dự phòng trong mùa mưa bão.
Ông Đặng Trấn Quốc, Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng cầu đường 3, tỉnh Lai Châu cho biết: “Khó khăn của Công ty trong công tác sửa chữa thường xuyên đường bộ là tình trạng nền đường, mặt đường bị xuống cấp nhanh, xuất hiện nhiều đoạn sình lún. Kinh phí đầu tư cho công tác sửa chữa thường xuyên đường bộ còn thấp, trong khi đó mức lương tối thiểu và các khoản chi phí tăng cao”.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu đã triển khai phương án đảm bảo giao thông trên các tuyến, như phối hợp với Ban phòng chống lụt bão tỉnh, huyện Sìn Hồ và huyện Mường Tè có kế hoạch cụ thể phân luồng giao thông. Đồng thời yêu cầu các nhà thầu đang thi công tập trung lực lượng, máy móc xử lý thông xe trong những ngày mưa lũ; Chỉ đạo các đơn vị duy tu, bảo dưỡng đường bộ chủ động nhân lực sẵn sàng ứng trực và dự trữ hơn 2.000 rọ thép, đá hộc, máy khoan đá, máy xúc ủi...
Tỉnh lộ 127 huyện biên giới Mường Tè cứ mưa lại ách tắc |
Ông Tạ Tấn Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết: “Trong mùa mưa, lực lượng thường trực có mặt 24/24 giờ trên các tuyến đường, tập trung giải phóng đất đá do thi công ra ngoài phạm vi nền mặt đường và khơi thông hệ thống thoát nước, xử lý trơn lầy. Lập tiến độ và bố trí lực lượng thi công từng ngày, làm xong đến đâu phải thu dọn gọn gàng đến đó, vừa đáp ứng tiến độ dự án, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông thuận tiện, bằng mọi biện pháp không để ách tắc giao thông kéo dài”./.