Làm thế nào để giải quyết những xích mích trong tình yêu?
VOV.VN - Tất cả chúng ta đều biết rõ rằng trong một mối quan hệ tình cảm, những cuộc tranh cãi và bất đồng ý kiến là điều không thể tránh được.
Tất cả chúng ta đều biết rõ rằng trong một mối quan hệ tình cảm, những cuộc tranh cãi và bất đồng ý kiến là điều không thể tránh được. Khi hai người dành nhiều thời gian cho nhau, cuộc sống của họ dường như trở thành một, và dễ dàng dẫn đến những vấn đề không thể tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, việc tranh cãi không hề ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ của bạn, mà nếu chúng được giải quyết một cách chính xác, bạn còn có thể hiểu rõ về đối phương và phát triển tình yêu của hai người lên một mức độ tốt hơn. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn khi phải đối mặt với những cuộc cãi vã không đáng có trong mối quan hệ của mình.
Thẳng thắn
Đôi khi, con người chúng ta thường không muốn thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình, mà thông qua một phương tiện hay cách thức gián tiếp nào đó để bộc lộ. Có người sẽ lựa chọn đưa sự khó chịu của mình vào trong một cuộc nói chuyện thường ngày và ẩn ý chúng sau những câu hỏi. Có người lại muốn lẩn tránh những chủ đề đó, liên tục chuyển đổi câu chuyện để mối quan hệ của hai người không phải dẫn đến tranh cãi. Tuy nhiên, cả hai cách tiếp cận trên hoàn toàn không hiệu quả. Có lẽ bởi nhiều người còn sợ phải đối mặt với những xích mích đó, nhưng nếu không thẳng thắn chia sẻ các vấn đề, thì hai bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được thêm về nhau. Khi bạn muốn người kia phải dành thời gian với bạn nhiều hơn, hãy nói lên suy nghĩ của bạn và cùng nhau tìm cách giải quyết. Hãy để đối phương hiểu được bạn đang không hài lòng về điều gì và bạn muốn thay đổi cái gì trong mối quan hệ của mình.
Chia sẻ cảm xúc nhưng không chỉ trích đối phương
Những lời nói xúc phạm đến người yêu/vợ/chồng của bạn sẽ gây ảnh hưởng xấu rất lớn đến mối quan hệ của hai người. Ví dụ khi một người đàn ông cảm thấy khó chịu về tính ghen tuông của vợ mình và nói “Cô chẳng biết điều gì cả,” thì câu nói này chắc chắn sẽ “bật chế độ tự vệ” ở người phụ nữ, và cuộc tranh cãi sẽ dần chỉ gồm những câu nói xúc phạm và vô nghĩa mà thôi. Một cách thức bạn có thể sử dụng đó là dùng những câu nói mang chủ ngữ là bạn như “Anh cảm thấy hơi buồn khi nghe những lời đó” thay vì “Em nói thế ai nghe được.” Bạn nên ghi nhớ khi tranh cãi, hãy cố gắng đưa ra nhiều suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, kèm với những lí do tại sao bạn lại có những cảm xúc đó, để đối phương có thể hiểu được và không cảm thấy bị tấn công.
Không bao giờ nói “không bao giờ” hoặc “luôn luôn”
Khi bạn đề cập đến một vấn đề mà đối phương khiến bạn không thoải mái, đừng sử dụng những từ ngữ quá chung chung, ví dụ “Anh chẳng bao giờ giúp em làm việc nhà” hoặc “Anh lúc nào cũng chỉ chơi điện thoại.” Những câu nói như vậy sẽ khiến cho đối phương cảm thấy bị xúc phạm bởi chắc chắn một điều rằng, họ đã từng ít nhất một đến hai lần giúp bạn làm việc nhà hoặc rời mắt khỏi điện thoại. Thay vì vậy, bạn nên chỉ rõ thời điểm người ấy có những hành động chưa đúng và đưa ra lời khuyên để họ có thể sửa đổi.
Xử lí từng việc một
Nếu bạn muốn có những cuộc tranh luận hiệu quả, hãy xử lí từng vấn đề một. Những cặp đôi không thành công thường đem tất cả những hờn ghen, bực tức từ quá khứ quay trở lại một cuộc cãi vã và chẳng để nó đi đến đâu. Việc đem quá nhiều vấn đề vào cùng một lúc để xử lí chưa bao giờ là một phương án hay. Bạn chỉ cần nghĩ đơn giản như khi bạn tập thể dục, bạn không thể vừa tập vừa cố nghĩ xem cách xin tài trợ cho dự án sắp tới sẽ như thế nào, hay cùng lúc lên thực đơn bữa tối cho cả nhà, cuối cùng thì chẳng việc nào được hoàn thành hiệu quả cả. Dù bạn có thể nhận thức được việc này, nhưng nhiều khi trong lúc tranh luận, bạn sẽ mất kiểm soát và “ngựa quen đường cũ”, nhắc về những vấn đề khác. Vậy nên, điều quan trọng là giữ bình tĩnh và nhận biết được nội dung mình đang nói là gì.
Lắng nghe
Cảm giác không được người khác lắng nghe trong cuộc nói chuyện là một cảm giác vô cùng khó chịu. Khi bạn cắt ngang lời và cho rằng mình biết người kia chuẩn bị nói gì, bạn đang thể hiện một sự thiếu tôn trọng và không cho đối phương cơ hội để bộc lộ cảm xúc. Mặc dù bạn cho rằng mình hiểu người ấy, nhưng nếu bạn không để họ nói lên suy nghĩ của mình, thì sự hiểu biết của bạn cũng sẽ chỉ dừng lại hạn hẹp ở đó mà thôi. Thay vì vậy, bạn có thể dừng lại vài giây để thật sự suy nghĩ về câu chuyện của họ. Nếu không rõ, bạn có thể hỏi lại để chắc chắn mình đang hiểu đúng, tránh trường hợp hiểu lầm dẫn đến bị xúc phạm. Ví dụ “Em không muốn anh làm như vậy nữa, đúng không?” hoặc “Có phải em đang nhắc đến lần đi chơi tuần trước,” càng cụ thể càng tốt. Cách này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ của đối phương và thể hiện rằng bạn vẫn đang lắng nghe và tôn trọng những gì họ nói./.