Lòng ngõ
VOV.VN - Thời trẻ, trai tráng ai cũng muốn vươn ra đại lộ, để rồi khi trung niên, sau khi đã tung hoành khắp chốn lại muốn yên về hẻm ngõ khiêm cung một thời, nơi giữ cho mình những câu chuyện cuộc đời.
Ngõ hẻm là nhánh của phố, hẹp nhưng lòng sâu. Đi qua ngõ như đi qua những khúc quanh của đời mới thấm hiểu hơn kiếp người. Đời người ai cũng sẽ phải đi qua những cung quãng khác nhau. Có thênh thang đại lộ lại có thâm trầm ngõ nhỏ. Từ con ngõ ấu thơ cho đến biết bao lối ngõ không tên giăng mắc vào đời mình những ám ảnh, ngẫm ngợi nhân tình. Trên từng không gian ký ức còn in biết bao gương mặt.
1. Dạo thường trú ở Miền Tây, những chiều buồn xa nhà, tôi hay lang thang dọc theo các con đường lớn lồng lộng gió sông Hậu, rồi đột ngột quặt vào con hẻm tối kéo con gió theo cùng. Bóng tôi lòng khòng như dấu hỏi đổ sẫm xuống con đường hẻm. Mỗi bước đi là mỗi lần dẫm lên bước chân của bao người xa lạ, cảm giác như đang dấn thân vào những thăm thẳm phận người. Phía sâu trong kia là những vệt thời gian, số phận, cái tên kết lại với nhau thành một cộng đồng qua nắng, qua mưa.
Trong nhiều con hẻm tôi qua có một hẻm hay ghé những chiều cuối tuần, khi thì một mình, lúc thì dăm người bạn lêu khêu cho hết ngày. Xóm lao động đấy, nhọc nhằn buôn bán từ vé số, trái cây, hát dạo... cho đến quán ăn bình dân góc chợ. Ở phía trong hẻm ngoắt ngoéo là một căn quán đủ rộng cho những mảnh tâm tình. Nó đã nửa thế kỷ ngự bên mép nước. Giờ vẫn vậy, ông chủ nhất quyết không chịu thay đổi cảnh quan, cứ vẫn mộc mạc như để cho tình người đắm vào cái không gian đặc quánh ký ức.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế được kê sát mép nước, khẽ gọi một ve bia lẻ bạn, kín đáo tò mò nghe và ngắm trộm bàn bên. Bốn người đàn ông đen nhẻm tay chân thô rám đúng dáng vẻ dân lao động, khề khà trong tiếng cười vang trời. Trong khoảng tranh tối tranh sáng, lọt giữa những khuôn mặt đen đúa màu “cần lao” là những nụ cười sáng trong đến nhẹ nhõm. Trên mặt bàn phía trước mỗi người là một túi ni lông nhỏ được trải ra lót cho những món đồ. Sau mới biết họ hẹn nhau sau giờ làm ngoài bến khuân vác, mỗi người mang theo món nhắm của mình, hẹn hò cùng chung vui, nhắm mồi, nhắm nhau, nhắm niềm vui để bớt đi những nhọc mệt. Thi thoảng trong âm vang tiếng cười tiếng hát, chợt thấy lắng dịu vài câu nho nhỏ: "Ủa, sao nay có vẻ mệt zữ zậy?" - "Má bệnh, chắc lát chạy qua đưa má ít tiền mua thuốc quá?" Chưa dứt lời, người đàn ông có vẻ lớn tuổi nhất thọc tay vào túi chiếc quần kiểu bộ đội moi ra mấy tờ tiền rồi đặt bụp lên bàn, kéo tay gã trai mẹ bệnh đặt lên: "Cầm thêm chút đỉnh mua thuốc cho má chóng lành..." Quán đang rôm rả chợt lặng đi mấy phút khi hai người đàn ông còn lại cũng kịp đặt vào tay bạn những đồng bạc lấm bụi. Tôi rót khẽ chút bia sánh vàng trong hoàng hôn đã sẫm đặc, thấy nao nao như vừa có ai đó nhắc tới mẹ mình ở nhà phía xa xa, sau ngàn trùng sông nước, dưới những cụm mây màu tóc bạc.
2. Hồi nhỏ đọc "Tam quốc", máu anh hùng trỗi dậy, bọn trai phố lộc ngộc ra con ngõ tập “đấm nhau”. Có một anh lớn đầu têu quấn áo may ô vào tay, chia đôi từng cặp đấm như đấu bốc, thi thoảng ông anh thị phạm vài đường song long hay đá quét trụ. Tối nào thày mang quả côn gỗ dây sắt ra tập thì thấy kinh hãi lắm, đứa nào cũng ngồi im thin thít. Tuổi thơ bung nhanh hơn một cú đấm trẻ trâu. Lớn rồi khi biết nghĩ cũng ti toe tập tành. Người anh gom mấy đứa lại nhập môn bằng cách lấy trái dừa đặt giữa chiếu, cả hội để tay lên trái dừa thề: Ai phản bội thì thủ sẽ bị vỡ đôi như trái dừa. Thề xong, ông anh vung dao chém vỡ đôi quả dừa. Đấm đá được ít lâu, ông anh gọi cả nhóm lại: Có lẽ ta ngừng tập ở đây, hôm qua thằng H. đấm vỡ mồm thằng bạn phố bên... Tôi không muốn các bạn học để rồi đi đánh người khác.
Bẵng đi một dạo, hay tin ông anh bị tạm giam để điều tra vì đánh chấn thương nặng một trong ba thằng "xưng vương xưng bá" bắt nạt mấy bà bán hàng rau trong ngõ. Thời bao cấp, xoay xở mãi mới đủ tiền đền để thoát khỏi phòng giam. Ông anh ngậm ngùi: Chỉ là quả đấm thôi mà dính bao hệ luỵ. Vào trong đó bọn mặt dô e hèm định bắt nạt. Chẳng nói chẳng rằng sáng nào ông anh cũng dậy rõ sớm ngồi thiền, rồi đứng tấn đi quyền đấm uỳnh uỵch vào bức tường đá lạnh... Bọn kia dạt ra xoay sang kết thân. Lâu lắm từ hồi luyện công mới thấy quả đấm có tác dụng xây đắp tình bằng hữu...
Câu chuyện kể thay cho lời chào tiễn biệt người anh rời ngõ ngược núi lánh mình. Và kể từ đó mấy thằng loe ngoe đút nắm đấm trong túi quần chả bao giờ dám lôi ra, công lực cũng rơi rụng theo bóng người anh hút mờ trên chiếc com-măng-ca nhà binh. Bấy nhiêu năm rồi từ ngày anh rời con ngõ nhỏ, chả hay tin tức gì.
Thời gian thì vẫn bung quá nhanh hơn cả một cú đấm.../.