Miền Trung: Mưa lũ làm 11 người chết, cô lập các xã miền núi

(VOV) - Mưa to, nước sông tăng nhanh khiến một số tuyến đê bị vỡ, hàng nghìn ngôi nhà bị tàn phá và ngập lũ cùng hàng chục nghìn héc-ta hoa màu

Liên tiếp trong những ngày qua, mưa lớn tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh làm 11 người chết và mất tích. Mưa to, nước sông tăng nhanh khiến một số tuyến đê bị vỡ, hàng nghìn ngôi nhà bị tàn phá và ngập lũ cùng hàng chục nghìn héc-ta hoa màu, ước tính thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.

Hiện, chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân.

Mưa lớn tại tỉnh Thanh Hóa khiến nước sông dâng nhanh, xuất hiện lũ ống, lũ quét trên diện rộng làm các xã miền núi thuộc các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thọ Xuân bị chia cắt.

Mưa lớn đã làm đê tả sông Chu đoạn qua địa bàn huyện Thọ Xuân và đê hữu sông Chu đoạn qua huyện Thiệu Hóa bị vỡ. 16 tuyến đường liên xã, liên huyện bị ngập, ách tắc, trong đó ngập úng cục bộ đã xảy ra tại tuyến quốc lộ 1A trong ngày 7/9, đoạn chạy qua địa phận xã Hà Dương và Hà Yên, huyện Hà Trung khiến giao thông bị ùn tắc trong 6 giờ đồng hồ.

 


Hiện các triền sông Chu, sông Mã, sông Yên, lũ đang xuống chậm; trên sông Lèn, sông Cầu Chày, sông Bưởi lũ đang tiếp tục lên. Đặc biệt, trên sông Cầu Chày tại Xuân Vinh, Thọ Xuân mực nước sông đã lên trên báo động 3. Hiện nay, lực lượng chức năng huyện Thọ Xuân triển khai ứng trực, thức trắng cùng người dân chống lũ.

Ông Lê Văn Điền, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: “Hiện chúng tôi di tản người dân đến các nơi nhà dân có nền đất cao, khu vực trường học…; đảm bảo trẻ em, người già được chăm sóc chu đáo. Thế nhưng, tuyến đê bị vỡ giữa mặt sông và mặt trong đê đã ngang bằng nhau, điều kiện để gia cố ngay thì chưa thể làm được. Hơn nữa, xung quanh rất khó khăn khi đất đã bị ngập hết, lấy đất ở nơi khác về gia cố cũng không được do tuyến giao thông đã bị tê liệt hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với những đoạn đã được đắp lại thì chúng tôi tiếp tục bảo vệ, tập trung bổ sung thêm vật tư”.


Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Thanh Hóa, tính đến đầu giờ sáng nay, mưa lũ đã làm 5 người thiệt mạng; cuốn trôi 100 ngôi nhà, làm gần 2.400 nhà cùng trên 20.000 ha lúa và hoa màu bị ngập sâu… Ước tính thiệt hại gần 640 tỷ đồng. Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, trên các triền sông nước đang xuống, kéo theo khả năng sạt trượt mái đê, cũng như vỡ đê là rất lớn. Do vậy, chúng tôi đã huy động lực lượng xung kích hộ đê trực 24/24h và chuẩn bị các vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các đoạn đê sạt trượt. Đối với những vùng bị cô lập tỉnh đã có chỉ đạo bằng mọi cách phải khắc phục các tuyến đường giao thông bị ách tắc, để đưa được phương tiện cũng như lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho bà con”.


Tại Nghệ An, lượng mưa đo được phổ biến từ 400 đến 550 mm. Mưa lũ khiến 4 người chết và mất tích, đồng thời tàn phá nặng nề tại các huyện Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương... Hiện tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương vận động bà con gặt ngay diện tích lúa bị ngập với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đồng thời mở tối đa các cống để tiêu thoát nước nhanh và tìm kiếm người còn mất tích.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã huy động các đơn vị thủy nông và các đơn vị quản lý cống tiêu trực 24/24h, huy động nhân lực hàng trăm người, do vậy việc tiêu úng đang được vận hành tương đối tốt. Bên cạnh đó, đối với những gia đình có người chết, chính quyền địa phương xã đã có thăm hỏi, động viên. Với 2 người bị mất tích huy động lực lượng dân quân tổ chức tìm kiếm, nhưng do nước quá lớn nên giờ vẫn chưa tìm được”.


Tỉnh Hà Tĩnh cũng ghi nhận có 2 người chết vì lũ cuốn và sét đánh. Mưa lũ làm 1.500 nhà và trên 820 ha lúa hè thu của tỉnh bị ngập. Tỉnh Hà Tĩnh đã cho học sinh ở các huyện bị ngập sâu nghỉ học, đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.


Trước diễn biến của mưa lũ, Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, cần theo dõi sát mực nước ở các sông; triển khai cấp bách các biện pháp đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập sâu ở vùng trũng, đồng bằng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đã có 6 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung
Đã có 6 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung

(VOV) -Thanh Hoá là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất với 3 người chết và mất tích, 1 xã bị cô lập hoàn toàn…

Đã có 6 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung

Đã có 6 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung

(VOV) -Thanh Hoá là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất với 3 người chết và mất tích, 1 xã bị cô lập hoàn toàn…

Hàng ngàn hộ dân miền Trung bị mưa lũ cô lập
Hàng ngàn hộ dân miền Trung bị mưa lũ cô lập

(VOV) -Mưa lũ đã làm 6 người chết và mất tích, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn trong khi lũ ở các sông từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh đang lên cao.

Hàng ngàn hộ dân miền Trung bị mưa lũ cô lập

Hàng ngàn hộ dân miền Trung bị mưa lũ cô lập

(VOV) -Mưa lũ đã làm 6 người chết và mất tích, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn trong khi lũ ở các sông từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh đang lên cao.