Mỗi ngày có 2 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán

Riêng 6 tháng đầu năm 2008, đã xảy ra 193 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em, với 359 đối tượng phạm tội, có 429 phụ nữ trẻ em bị buôn bán

Sáng nay (31/10), tại Hà Nội, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức Action Aid Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia công bố kết quả khảo sát thực trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em tại 4 tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Hải Phòng và Vĩnh Long. Dự Hội thảo có bà H’Ngăm Niê KĐăm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam và đại diện nhiều ban, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong vòng 8 năm lại đây, hơn 21.000 phụ nữ-trẻ em vắng mặt lâu ngày, nghi là bị buôn bán ra nước ngoài; khoảng 177.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, hiện chưa xác định được trong số đó bao nhiêu người bị lừa bán. Riêng 6 tháng đầu năm 2008, đã xảy ra 193 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em, với 359 đối tượng phạm tội, có 429 phụ nữ trẻ em bị buôn bán, nếu tính trung bình, mỗi ngày có trên 2 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán.

Theo kết quả khảo sát tại các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Vĩnh Long và Hải Phòng, số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán hoặc nghi bị lừa gạt, ép buộc, buôn bán sang Trung Quốc lấy chồng thuộc địa bàn thị xã Cao Bằng và huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) diễn ra khá phổ biến vào thời gian từ trước những năm 1998 – 2002 và hiện nay đang có xu hướng giảm. Còn tại huyện Tủa Chùa (Điện Biên), tình trạng này diễn ra ít hơn và có sự gia tăng trong thời gian gần đây. Thị xã Cao Bằng có khoảng 224 phụ nữ xuất cảnh trái phép qua biên giới Trung Quốc làm ăn và lấy chồng, bao gồm cả số tự nguyện đi và bị buôn bán. Số trẻ em gái bị bán là 6 em. Có 9 đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ trẻ em đã bị phát hiện và xử lý theo pháp luật. Huyện Thuỷ Nguyên có khoảng 1300 phụ nữ nghi bị buôn bán và chưa thống kê số trẻ em bị bắt cóc, buôn bán. Theo số liệu của Công an huyện, tính từ năm 1989-2004, đã có 16 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em được khởi tố theo pháp luật….

Phát biểu tại đây, bà H'Ngăm Niê KĐăm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em đã trở thành vấn đề gây bức xúc trong xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân, gia đình và xã hội. Tình trạng này không dừng lại ở biên giới một quốc gia mà còn liên kết với nhau giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, được Liên Hợp Quốc xác định là một trong những loại tội phạm buôn bán người toàn cầu.

Tại Hội thảo, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do hoàn cảnh khó khăn, bế tắc về kinh tế và cuộc sống; một số gia đình thường xuyên mâu thuẫn giữa vợ và chồng, thiếu sự quan tâm đến con cái; công tác phòng ngừa từ gia đình chưa được chú trọng, thiếu sự chỉ đạo, quản lý từ các cấp chính quyền...

Các giải pháp được đưa ra tại Hội thảo là đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên diện rộng nhằm tạo chuyển biến trong cộng đồng dân cư; tiếp cận, tư vấn hỗ trợ nạn nhân về vốn, việc làm; lập các hòm thư nóng tại điểm đông dân cư; các đơn vị liên quan cần có những văn bản pháp luật, chính sách và chương trình can thiệp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em./.