Mùng 2 đi chợ Âm - Dương: không nói thách, không mặc cả
VOV.VN - Người đi chợ cầu cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc và đặc biệt, để cảm nhận sự giao tiếp giữa hai cõi Âm - Dương...
Rạng sáng mùng 2 Tết Nguyên đán hàng năm, phiên chợ Cao Thượng, còn gọi là chợ Âm Dương, ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang lại họp, để những người đi chợ cầu cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc và đặc biệt, để cảm nhận sự giao tiếp giữa hai cõi Âm - Dương.
Sáng sớm nay, khi sương sớm còn chưa tan giá, chưa nhìn rõ mặt người, đã có rất đông người đổ về khu đình làng Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang để tham gia phiên chợ Âm Dương, mỗi năm chỉ họp một lần.
Chợ Âm Dương họp từ lúc trời còn chưa sáng |
Cho đến thời điểm này, không có tài liệu nào ghi lại lịch sử hình thành phiên chợ. Ngay cả những người già trong làng cũng không ai biết phiên chợ có từ bao giờ. Chỉ biết từ khi sinh ra, chợ đã có rồi và được người dân lưu giữ cho đến ngày nay.
Các cụ cao tuổi trong làng kể lại, chợ mùng 2 là tập tục sinh hoạt cổ, họp ở cửa đình và là phiên chợ Âm - Dương vì họp lúc trời nhập nhoạng. Đồ rằng, vùng đất thờ thần Bạch hổ, để trấn an nên phải mở phiên chợ mùng 2. Cũng có cách lý giải khác, cho rằng việc mở chợ là để giao tiếp hai cõi Âm - Dương, với ước nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà hạnh phúc.
Nhưng cũng có người kể rằng, ngày xưa chợ họp tại đình làng Cao Thượng, đến thời người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám chiếm giữ đất Cầu Vồng, Pháp nắm đồn Mỏ Thổ nã đại bác sang, không cho người dân nơi đây họp chợ nhưng người Cao Thượng nổi tiếng ngang tàng không chịu.
Họ đi kiện cả quan Pháp đòi quyền họp chợ. Sau đó, chợ được dời sang chợ Mọc cách đó gần 1 kilômét. Nhưng ở nơi cũ vẫn được nghĩa quân Yên Thế bí mật tổ chức chợ đêm vào mồng 2 Tết hàng năm.
Thực chất chợ là nơi để trao đổi thông tin, tiếp cận với các nhân sĩ yêu nước ở khắp nơi đứng lên giải ách nô lệ. Từ đó hình thành chợ đêm độc đáo và tồn tại cho đến ngày nay.
Bà Giáp Thị Oanh, 79 tuổi ở xã Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, do chợ họp tại sân đình nên trước khi vào chợ, người dân thường vào đình thắp hương cầu bình an, may mắn trong năm mới.
"Chợ ở đây có từ bao giờ chúng tôi không biết. Chợ này thì đình chùa có từ bao giờ thì chợ có từ bấy giờ, tự không mà có thôi, chẳng ai bảo ai cả. Cứ sáng mùng 2 Tết năm nào cũng có, đông người đến lắm, họ tự đến chứ không quảng cáo gì cả" - bà Oanh cho biết.
Đến bây giờ chưa biết thực hư nguồn gốc chợ Âm Dương Cao Thượng ra sao, nhưng phiên chợ vẫn được nhiều người biết đến. Chợ họp tại sân cỏ rộng chừng trên 1 nghìn mét vuông sau đình Cao Thượng.
Đến chợ Âm Dương, người dân có thể mua sắm nhiều vật dụng từ đồ chơi trẻ em, quần áo, hoa quả, bánh kẹo tới các mặt hàng thực phẩm phục vụ ngày Tết.
Bánh đa đỏ thường được bán ở chợ Âm Dương-màu đỏ của bánh đa thể hiện sự may mắn trong năm mới. |
Ông Nguyễn Thành Trung, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Yên cho biết: "Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ những người đã hy sinh thì chợ cũng bán diêm, bán muối, bánh đa đỏ, bán rau cần thể hiện ý nghĩa cần gì là có. Ngoài ra chợ cũng bán bún để cầu mong mọi sự trôi chảy trong cả năm".
Loại hình chợ như chợ mùng 2 Cao Thượng, xưa tại Kinh Bắc cũng có tuy không nhiều và dân gian gọi đó là chợ Âm Phủ. Phiên chợ theo quan niệm dân gian là nơi người chết và người sống có thể gặp nhau.
Người đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết và sẽ cảm thấy cuộc sống thanh thản hơn.
Phiên chợ họp lúc nửa đêm về sáng và tan chợ khi hừng đông. Tại phiên chợ này, người mua không mặc cả, người bán không nói thách. Cả người mua và người bán đều nói năng nhẹ nhàng, rì rào thay vì sôi động, náo nhiệt như các phiên chợ khác.
Năm nào cũng vậy, mùng 2 Tết là ông Nguyễn Văn Hòa, ở xã Cao Thượng lại đi chợ Âm Dương cầu may cho bản thân và gia đình. Ông bảo rằng: "Chợ họp từ 2 giờ sáng tới 10 giờ trưa thì tan. Chợ ở đây hàng hóa bán như chợ bình thường. Người dân các xã lân cận đi chợ rất đông. Nhiều người đi chợ là để cầu may, lấy lộc mua bán nên khi mua bán rất ít khi mặc cả".
Loại hình chợ âm dương hiện nay không còn nhiều. Tại Bắc Giang chỉ còn ở xã Cao Thượng, huyện Tân Yên. Khoảng 10 giờ sáng chợ tan dần và dù không ai bảo ai, nhưng mọi người đều có ý ngóng chờ đến phiên chợ năm sau./.