Nắng nóng, trẻ lại nhập viện ồ ạt

VOV.VN -Nắng nóng trên 38 độ C, khiến bệnh nhi bị sốt virus, sốt do nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp… nhập viện tăng cao.

Hơn một tuần nay, thời tiết nắng nóng gay gắt đã tác động không nhỏ đến sức khỏe người dân. Số người nhập viện tăng cao, đặc biệt là trẻ nhỏ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, viêm não, sởi, tay chân miệng…

Bệnh nhi nhập viện tăng cao

Ngồi ngoài ghế đá Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Võ Thị Phú (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) liên tục ngồi quạt, dỗ dành con nhưng con gái 4 tháng tuổi của chị vẫn khóc ngằn ngặt, mồ hôi mướt mát. Chị Phú cho biết, cách đây 2 tuần, con gái chị bị viêm đường hô hấp. Sau nhiều ngày uống thuốc, cháu cũng hết bệnh. Thế nhưng, sau đó ít ngày, chị Phú thấy con liên tục sốt cao, ho, khó thở, khó bú liền đưa con đến Bệnh viện đa khoa tỉnh khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tim bẩm sinh, cần phải chuyển lên tuyến trên để điều trị.

Ra Hà Nội, thời tiết oi bức, nắng nóng chẳng kém Hà Tĩnh, thấy con khó bú, khó thở, lòng chị như lửa đốt. Chị Phú rầu rĩ: “Trẻ bình thường bị ốm vào trời nắng nóng đã khó chịu, thì bé bị bệnh tim càng mệt mỏi hơn. Trời nóng quá, ngồi ghế đá bệnh viện cũng ngột ngạt, nên hai vợ chồng thuê nhà trọ có điều hòa 200.000 đồng/ngày đêm cho con đỡ nóng. Cũng may, chiều nay, bác sĩ cho con nhập viện để tiến hành phẫu thuật cho con”.

Nhiều bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai

Cách đó không xa, chị Oanh (ở Xuân Mai-Hà Nội) đưa con trai 6 tháng tuổi đến bệnh viện khám. Con trai chị mới khỏi bệnh sởi được ít ngày thì mấy hôm nay bé lại có dấu hiệu bị viêm phế quản. Chị tâm sự: “Mới đầu mùa nóng mà con đã phải đi viện rồi, không biết những ngày nắng nóng tới sức khỏe của con như thế nào nữa. Vừa hết sởi được ít ngày, nay con lại bị viêm phế quản. Gần 2 tháng nay, vợ chồng tôi cứ phải thay nhau chăm con ở bệnh viện”.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, so với thời điểm trước nắng nóng, số bệnh nhi đến khám đã tăng 20%, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500- 1.600 bệnh nhi. Bệnh nhân đến khám chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến thời tiết như hô hấp, tiêu hóa…

Tương tự, tại Khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai, những ngày nắng nóng số lượng bệnh nhân đến khám cũng tăng cao. Tại khu vực ghế ngồi chờ, hầu như không còn một chỗ trống, hệ thống quạt hoạt động hết công suất nhưng vẫn không xua được cái oi bức, ngột ngạt. Hiện trung bình mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận khám cho khoảng 250-350 trẻ, tăng khoảng 20% so với thời điểm trước đó. Trong đó, chủ yếu là nhóm bệnh nhi bị sốt virus, sốt do nhiễm khuẩn, tiếp đến là các bệnh về tiêu hóa, nhiễm khuẩn ngoài da, mụn nhọt, viêm não, viêm màng não, cộng với dịch sởi, tay chân miệng, thủy đậu... làm cho tình hình dịch bệnh càng thêm “nóng”.

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Nắng nóng, nên nhiều phụ huynh chọn cách đưa con đến khám chữa bệnh vào buổi chiều và buổi tối. Có buổi chúng tôi khám cho 50-100 cháu”.

Theo Bác sĩ.TS Nguyễn Tiến Dũng,  thời tiết nóng bức khiến sức đề kháng của trẻ nhỏ bị giảm sút. Đây là nguyên nhân khiến số lượng trẻ nhập viện trong những ngày vừa qua tăng cao. Song theo bác sĩ Dũng, mặc dù số lượng bệnh nhi đến khám tăng cao so với ngày thường nhưng số lượng tăng không đột biến, đây là diễn biến bình thường trong mùa nắng nóng.

Trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương thường mắc các bệnh liên quan đến thời tiết như hô hấp, tiêu hóa…

Sử dụng điều hòa nhiệt độ đúng cách

Cũng theo Bác sĩ Dũng, trời nóng tới 38-39 độ C nên đa số các gia đình bật máy lạnh hết cỡ, bật quạt cả ngày, đêm, hoặc để quạt thẳng vào người trẻ khiến trẻ bệnh, nhất là trẻ trong độ tuổi dưới 5 tuổi. Đặc biệt, việc các gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ để tránh nóng, làm nhiệt độ ngoài trời và trong phòng chênh nhau rất lớn, trong khi đó trẻ em lại hiếu động thường chạy ra chạy vào, khiến thân nhiệt bị thay đổi đột ngột. Điểm nữa là các loại điều hòa nhiệt độ của nhiều gia đình chưa đạt chuẩn, cách sử dụng cũng chưa đúng. “Các loại điều hòa cần thay lọc gió, làm vệ sinh thường xuyên, nhưng nhiều gia đình có khi vài năm chưa vệ sinh điều hòa nhiệt độ lần nào. Một điều hòa nhiệt độ đạt chuẩn bắt buộc phải có quạt thông gió nhưng không phải gia đình nào cũng có. Điều này rất nguy hiểm, vì điều hòa không có quạt thông gió sẽ gây tích tụ vi khuẩn, tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh”, Bác sĩ Dũng nói.

Để phòng bệnh mùa hè cho trẻ, Bác sĩ Dũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý sử dụng điều hòa cho đúng cách, làm vệ sinh sạch sẽ, để nhiệt độ phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm các loại vaccine phòng bệnh theo đúng khuyến cáo của ngành y tế; cần thực hiện cho trẻ những biên pháp phòng bệnh chung trong mùa nóng như: rửa tay trước khi ăn, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, nơi ở sạch sẽ…

Nên hạn chế cho trẻ ra ngoài nắng từ 10h đến 16h. Nếu phải ra ngoài, nên lưu ý cho trẻ đội mũ, mang ô, mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang... đầy đủ.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: “Hiện nay, nhiều gia đình khi nghe có thông tin về dịch bệnh thường nhốt con trong nhà, không cho vận động ở môi trường bên ngoài vì sợ lây bệnh. Đây là một quan niệm sai lầm, vì vô hình trung đã làm giảm sức đề kháng ở trẻ khi trẻ không được vui chơi, chạy nhảy”.

Khi trẻ có những dấu hiệu bị ốm như: sốt, ho, quấy khóc... tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Điều này có thể khiến trẻ ngày càng bị bệnh nặng hơn hoặc ảnh hưởng đến kháng thể của trẻ sau này mà phải đưa trẻ đi khám bệnh và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên