Nghị lực phi thường của cậu bé đeo mặt nạ vải

(VOV) - Ngọn lửa lấy đi một nửa khuôn mặt, chân tay đều biến dạng, nhưng nụ cười vẫn chưa bao giờ tắt trên môi cậu bé Minh hiếu học.

Đến thăm em Đào Ngọc Minh (học lớp 1A, trường Tiểu học Thị trấn Sao Vàng – Thọ Xuân – Thanh Hóa) đang chờ lịch phẫu thuật di chứng sau bỏng tại Viện Bỏng Quốc gia, chúng tôi không cầm được nước mắt khi thấy nửa khuôn mặt em bị biến dạng, bàn tay trái chỉ còn lại 4 đốt, người quấn đầy băng gạc.

Trên khắp cơ thể cậu bé, trừ những vết sẹo đỏ chi chít là những mảng da còn loang lổ, vết tích của 8 lần phẫu thuật lấy da đắp da và 9 lần cắt da bị hoại tử.

 
 Ngọn lửa lấy đi một nửa khuôn mặt của Minh, chân tay đều biến dạng, chi chít sẹo

Thấy có người đến thăm, Minh đứng lên chào hỏi rất lễ phép. Đôi mắt to tròn, đen láy, nụ cười chưa bao giờ tắt trên môi cậu bé đầy nghị lực và ham học khiến các bậc phụ huynh trong phòng bệnh không khỏi xúc động. Nhìn con hồn nhiên, lạc quan, nỗi lo lắng của anh Đỗ Xuân Thụ (bố của Minh) như vơi đi phần nào.

Buổi chiều định mệnh

Ít ai biết được, vào buổi sáng tháng 6/2012, cậu bé còn ríu rít theo bà nội lên xe về quê nội chơi trước khi vào năm học mới.

Nhưng đến buổi chiều, một cuộc điện thoại của người thân gọi vào số máy của anh Thụ, giọng gấp gáp: “Cháu Minh bị bỏng nặng do cháy đống rơm. Cháu đang cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tình hình nguy kịch quá, giờ không biết cháu sống hay chết…”. Anh bàng hoàng buông máy.

Anh cuống cuồng bắt vội chiếc taxi đến bệnh viện với con. Nhìn cánh cửa phòng cấp cứu khép chặt, mà lòng anh rối như tơ vò. Trong khóe mắt người bộ đội ấy, dòng nước mắt lăn dài bởi sinh mệnh bé bỏng của đứa con trai đang mong manh quá đỗi.

Sau 7 tiếng cấp cứu, thông tin từ bác sĩ cho biết Minh bị bỏng hô hấp, tỉ lệ bỏng toàn thân 55%, bỏng độ sâu ở mức độ 3,4,5 “chỉ còn 1% cơ hội sống sót”, khiến anh rụng rời chân tay. Nhìn thấy cơ thể con bị cháy đen, quấn băng trắng xóa nhưng máu vẫn rỉ đỏ, một bên tai bị mất, nửa khuôn mặt và chân tay biến dạng, anh đau đớn.

12 ngày cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và hơn 3 tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia là quãng thời gian đáng sợ nhất của vợ chồng anh Thụ. Bởi chính lúc đó vợ chồng anh mới cảm nhận rõ nhất ranh giới giữa sinh – tử, sự sống của con quá mong manh. “Thời gian đó, hai vợ chồng tạm nghỉ việc, bồng bé thêm em trai của Minh lúc đó mới 8 tháng tuổi xuống Thanh Hóa, rồi ra viện Bỏng để tiện chăm con”, nói đến đây, anh Thụ nghẹn lại.

Nghị lực của cậu bé 6 tuổi

Nằm trên giường bệnh, Minh nằm ngủ nhưng thi thoảng rùng mình vì những mảng da bị hoại tử, nay bị loét ra, sưng tấy. Vệ sinh vết thương cho con, băng tháo đến đâu từng lớp da bị cháy loét ra đến đó, lộ ra mảng thịt rỉ máu khiến vợ chồng anh không khỏi rùng mình. Có chỗ vết thương còn ướt dính băng, Minh rên khẽ: “Bố ơi, con đau quá”. Xót con, người mẹ khóc thành tiếng, còn cậu bé vẫn mím chặt môi, cố gắng không kêu khóc.

 
 Khuôn mặt bầu bĩnh, khôi ngô của Minh trước khi bị tai nạn. (Ảnh: Vnexpress.net)

Mặc dù biết năm học mới đã bắt đầu, nhìn thấy bệnh tật của con, bố mẹ Minh đắn đo không biết có nên để con đi học không. Nhưng cậu bé an ủi bố mẹ, quyết tâm đến trường và sẽ học giỏi.

Chân trái của Minh bị bỏng nặng, ảnh hưởng đến xương khiến Minh không tự đứng được. Dù đau đớn, nhưng cậu bé vẫn kiên trì tập đi. Nhớ lại lúc con tập đi, anh Thụ không khỏi xót xa. Ban đầu anh chị phải tập cho con biết đứng, sau đó cho tập đi từng bước một. Nhưng chỉ được vài phút, bàn chân con lại không thể tự đặt được gót, ngã dúi dịu về phía trước, mặc dù rất đau, nhưng cậu bé vẫn không khóc. Bố mẹ mua cho Minh chiếc xe đẩy để em tập đi từng bước. Sau đó, em không cần xe đẩy hỗ trợ, mà tự vịn vào bờ tường, cạnh giường để đi.

Bước chân đã vững hơn trước rất nhiều, Minh bắt đầu chuyển sang tập viết. Nhiều lúc quá đau đớn, em đành bất lực nhìn cây bút rơi khỏi tay.

Thấy quyết tâm và nghị lực của con trai, vợ chồng anh Thụ gạt nước mắt đăng kí để Minh vào học lớp 1A tại trường Tiểu học Sao Vàng. Mặc dù được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của thầy cô, nhưng với nửa khuôn mặt bị biến dạng ghê gớm, vợ chồng anh e ngại các bạn trong lớp tò mò, trêu chọc Minh.

 
Nụ cười vẫn chưa bao giờ tắt trên môi cậu bé hiếu học.

Biết được tình cảnh như vậy, bác sĩ đã tư vấn để Minh đeo mặt nạ y tế vừa để ép sẹo. “Ban đầu, khi đeo mặt nạ này Minh cảm thấy rất đau và khó chịu, nhiều lúc cháu nó đòi cởi ra vì quá vướng víu, Tuy nhiên những lúc đó tôi chỉ an ủi cháu rằng, con phải đeo mặt nạ thì mới đi học được. Nghe xong, từ đó đến nay chưa có hôm nào cháu đòi cởi mặt nạ ra nữa”, anh Thụ cho biết.

Có lần, nghe bố hỏi: “Nếu các bạn trêu con thì sao?”, cậu bé đĩnh đạc trả lời: “Không sao ạ. Xấu tí, nhưng học giỏi là được”.

Ngày đầu tiên đến lớp, thấy bước chân của con vẫn còn yếu, chị Hoa (mẹ của Minh) để Minh ngồi vào xe đẩy, đẩy con đến lớp. Nhưng vừa đến cổng trường, Minh nằng nặc đòi mẹ để tự đi vào lớp. Không đồng ý, chị thuyết phục để tự cõng con vào lớp. Nghe vậy, Minh vẫn cương quyết nói: “Đi học mà mẹ cõng đến lớp thì còn gì là đi học nữa”.

Nhìn con tập tễnh từng bước vào sân trường, nhanh chóng hòa nhập với các bạn trong lớp khiến chị Hoa vơi đi nỗi buồn đau mà con mình đang phải gánh chịu.

Cô Trần Thị Tuyết, chủ nhiệm lớp 1A kể, mặc dù Minh đi học chậm gần 2 tháng so với các bạn trong lớp, nhưng Minh vẫn đuổi kịp chương trình, còn vươn lên đứng ở top đầu trong lớp. Minh vừa hoàn thành kỳ thi giữa học kỳ 1 với điểm số rất cao. Sắp tới, do đang trong đợt điều trị phẫu thuật di chứng do bỏng nên Minh không tham dự được kỳ thi cuối học kỳ 1. Tuy nhiên, nhà trường sẽ tạo điều kiện để Minh được làm bài thi sau khi em từ bệnh viện trở về.

Chứng kiến nghị lực cũng như tinh thần ham học hỏi của cậu học trò “đặc biệt”,  không ít lần cô cảm thấy xúc động. Cô kể: ngày đầu tiên Minh đến lớp, nhìn thấy cậu học trò nhỏ, trong tâm thức của cô nghĩ rằng với sức khỏe của Minh chỉ ngồi học được một tiết đầu. Nhưng đúng như cô dự đoán, Minh không chỉ chăm chỉ nghe giảng hết buổi sáng mà còn đi học cả ngày. Hôm đó, cả lớp luyện 3 bài tập viết, thì Minh đạt cả 3 điểm 10.

Mới từ bệnh viện trở về, nhưng Minh đã đi học luôn. Trong suốt buổi học, chốc chốc cô nhìn về phía Minh quan sát thấy Minh đang khó chịu bởi những vết thương cũ đang bắt đầu lên da non, có chỗ vết thương chưa lành, bị loét ra, rỉ máu và nước. Lúc này cô liền đưa ra các câu hỏi, Minh lại phát biểu ý kiến, khiến em như quên đi cơn ngứa ngáy, khó chịu.

Vì Minh đi học muộn, nên lúc đó bài vở dồn lại rất nhiều. Để không thua kém các bạn trong lớp, cậu bé luôn tỏ ra quyết tâm cao độ. Có hôm đã đến giờ ra chơi, cô nhắc Minh nghỉ, nhưng vì còn bài tập chưa làm hết, em vẫn ngồi lại bàn chăm chỉ luyện viết hay hoàn thành hết các phép toán được giao.

Chia sẻ với chúng tôi, Bác sĩ Vũ Quang Vinh – Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình – Viện Bỏng Quốc gia cho biết: Trước mắt, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tách rời các đốt ngón tay đang dính chặt của bàn tay trái của Minh ra. Với khả năng y học hiện đại, việc khắc phục những di chứng sau bỏng của bé Minh không quá khó, sau này em vẫn có khả năng lao động như những người bình thường khác.

Từ giờ đến lúc trưởng thành, tùy thuộc vào sức khỏe của Minh các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để can thiệp vào việc sửa lại nửa khuôn mặt trái bị biến dạng, cân bằng vai bên phải đang bị lệch, điều trị sẹo trên cơ thể.

Để có tiền chạy chữa cho con, hiện gia đình anh Thụ đã vay mượn số tiền lên tới 400 triệu đồng. Khi hỏi về kế hoạch những ngày tới, anh Thụ tâm sự: “Thấy con học ngoan và giỏi là vợ chồng tôi hạnh phúc lắm rồi. Dù có bán nhà, vợ chồng vẫn cố gắng chạy chữa cho con”./.

 

Mọi sự ủng hộ trực tiếp xin gửi về:

Anh Đào Xuân Thụ (Khu 2 - Thị trấn Sao Vàng - huyện Thọ Xuân - tỉnh Thanh Hóa)

SĐT: 0982 612 755

CMT: 31A 991 098 132

Số tài khoản: 351 320 502 8306

Ngân hàng Agribank chi nhánh Lam Sơn - Thanh Hóa

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thương cảnh gà trống nuôi con bị bệnh hiểm nghèo
Thương cảnh gà trống nuôi con bị bệnh hiểm nghèo

Không được may mắn như các bạn đồng lứa tuổi, em Nguyễn Thị Ngọc Dung (ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, Cai Lậy) bị thiếu máu huyết tán và gia đình quá khó khăn.

Thương cảnh gà trống nuôi con bị bệnh hiểm nghèo

Thương cảnh gà trống nuôi con bị bệnh hiểm nghèo

Không được may mắn như các bạn đồng lứa tuổi, em Nguyễn Thị Ngọc Dung (ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, Cai Lậy) bị thiếu máu huyết tán và gia đình quá khó khăn.

Lớp học đặc biệt của bệnh nhi hiểm nghèo
Lớp học đặc biệt của bệnh nhi hiểm nghèo

Ngày 16/11, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã khai giảng một lớp học đặc biệt miễn phí dành cho trẻ em đang được điều trị tại đây.

Lớp học đặc biệt của bệnh nhi hiểm nghèo

Lớp học đặc biệt của bệnh nhi hiểm nghèo

Ngày 16/11, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã khai giảng một lớp học đặc biệt miễn phí dành cho trẻ em đang được điều trị tại đây.

Xót thương cháu bé 12 tháng tuổi đối mặt với bệnh hiểm nghèo
Xót thương cháu bé 12 tháng tuổi đối mặt với bệnh hiểm nghèo

(VOV) -  Mới 12 tháng tuổi nhưng bé đã phải cùng mẹ rong ruổi trên khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc để chữa bệnh.

Xót thương cháu bé 12 tháng tuổi đối mặt với bệnh hiểm nghèo

Xót thương cháu bé 12 tháng tuổi đối mặt với bệnh hiểm nghèo

(VOV) -  Mới 12 tháng tuổi nhưng bé đã phải cùng mẹ rong ruổi trên khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc để chữa bệnh.

Mong manh trước căn bệnh hiểm nghèo
Mong manh trước căn bệnh hiểm nghèo

Võ Thành Luân (1994) bị bệnh máu trắng. Gia đình đã bán mọi thứ có thể để chữa trị cho cháu

Mong manh trước căn bệnh hiểm nghèo

Mong manh trước căn bệnh hiểm nghèo

Võ Thành Luân (1994) bị bệnh máu trắng. Gia đình đã bán mọi thứ có thể để chữa trị cho cháu