Nghị quyết 30A: Đòn bẩy giúp dân xoá đói giảm nghèo

Đặc biệt, Nghị quyết về giảm nghèo nhanh và bền vững, không chỉ giúp ích cho người dân từng bước thoát nghèo, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở đây.

Là một trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước, những năm qua huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Gia đình anh Lò Văn Ón, xã Mường Kim, huyện Than Uyên là một trong những hộ nghèo nhất nhì của xã. Anh Ón cho biết:  “Do đất đá ở địa phương khô cằn, hạn hán thiên tai triền miên, nên việc làm đủ ăn đã là may mắn, còn chuyện làm để tích luỹ,  có của ăn của để trong nhà rất khó khăn. Thu nhập chính của gia đình chỉ có vài sào ruộng nương, năm nào thuận trời mới đỡ thiếu đói, nếu mất mùa thì rất khổ”.

Không chỉ gia đình anh Ón mà phần lớn đồng bào dân tộc Thái ở Mường Kim hiện đang nghèo khó. Cách đây gần 2 năm, nhờ có Nghị quyết 30A hỗ trợ gạo cho các hộ dân nghèo để bảo vệ và chăm sóc rừng, gia đình anh Ón là một trong hàng chục hộ dân trong xã được nhận gạo từ chương trình này. Tuy không nhiều, song với bà con nghèo nơi đây, 1 tạ gạo trong lúc giáp hạt là cả một nguồn sống. 

Anh Lò Văn Ón nói: “Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ gạo, chỉ bảo cách chăm sóc rừng nên ai cũng có ý thức bảo vệ, không phá rừng nữa. Cuộc sống bây giờ cũng tạm ổn”.

Theo ông Phạm Bá Quyết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên, trong 2 năm lại đây, huyện có trên 5 trăm hộ dân nghèo được thụ hưởng Nghị quyết 30A, với nguồn vốn lên đến gần 50 tỷ đồng. Cùng với việc hỗ trợ gạo để bà con khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng, hỗ trợ giống cây con sản xuất, huyện Than Uyên đã giành một phần lớn nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

Với thực tế của một huyện nghèo, phần lớn các công trình còn tạm bợ, giao thông đi lại khó khăn, để từng bước xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng là ưu tiên số 1.

Từ các công trình trạm xá như xã Phúc Than, xã Hua Nà đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, giúp bà con yên tâm hơn trong vấn đề sức khỏe, các con đường liên thôn bản, đường dân sinh được mở mới và nâng cấp ngày càng nhiều, bà con đi lại cũng thuận tiện. Đến thời điểm này, 90% công trình được khởi công năm 2009, từ nguồn vốn 30A của huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Rút kinh nghiệm những năm qua có một số công trình sau khi đưa vào sử dụng việc bảo quản chưa được thắt chặt, công trình xuống cấp nhanh chóng, huyện đã thực hiện bàn giao cho bản, xã từng công trình, thành lập nhóm người quản lý. Bên cạnh đó, người dân đã nhận thức được hiệu quả của các công trình này trong cuộc sống hàng ngày và có trách nhiệm hơn với việc bảo quản.

Nghị quyết 30A của Chính phủ mới triển khai được 2 năm nên mặc dù chưa thể đưa ra được những con số đánh giá chính xác về hiệu quả của  nó, song có thể khẳng định cùng với các nguồn vốn khác như 135/CP, 167...đã giúp  tỷ lệ hộ nghèo ở Than Uyên những năm gần  đây  giảm một cách đáng kể. 

Tình trạng đói giáp hạt đã không còn. Việc đầu tư những công trình như trạm y tế xã, chợ địa phương, công trình cấp nước sinh hoạt, các con đường liên thôn bản được mở ra, học sinh có nhà bán trú... đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi ở Than Uyên. Nghị quyết 30A của Chính phủ đang triển khai thực sự là đòn bẩy giúp dân xoá đói, giảm nghèo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên