Ngổn ngang đê biển Cát Hải

Mặc cho người dân lo lắng, đơn vị thi công vẫn “đủng đỉnh” khi mùa mưa bão cận kề.

Theo tiến độ, Dự án gia cố đê, kè biển Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng đoạn từ bến Gót đến Gia Lộc sẽ được hoàn tất trước ngày 15/2/2011. Nhưng đến nay trên công trình đê biển xung yếu bậc nhất này của thành phố, đơn vị thi công mới chỉ hoàn thành được gần 70% khối lượng công trình.  

Ngổn ngang, đó là những gì có thể nói về Dự án gia cố đê, kè biển Cát Hải hiện nay. Trên chiều dài gần 3 km từ bến Gót đến Gia Lộc (thị trấn Cát Hải) nham nhở những khối bê tông vừa đổ, máy móc thi công công trình chỗ hoạt động nơi nằm yên.

Đê kè vẫn ngổn ngang

Gia cố đê, kè biển Cát Hải là Dự án đặc biệt quan trọng, nhằm mục đích bảo vệ an toàn tính mạng cho gần 7.000 người dân thị trấn Cát Hải, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa bão, triều cường. Dự án được UBND TP Hải Phòng phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 860 ngày 15/5/2009 với tổng vốn gần 36 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần xây dựng thủy lợi Hải Phòng, thời gian thi công từ ngày 18/9/2010 đến ngày 15/2/2011.

Nhưng đến nay, tức gần 1 tháng sau ngày công trình phải bàn giao đưa vào sử dụng, đơn vị thi công mới chỉ thực hiện được gần 70% khối lượng công trình. Tiến độ thi công cầm chừng đang để lại tâm trạng lo lắng cho người dân thị trấn Cát Hải. Ông Trần Văn Dương, ở Tổ 4, thị trấn Cát Hải bức xúc: Nhân dân chúng tôi rất lo, vì nếu tiến độ như thế này thì rất nguy hiểm. Kè không xây khẩn trương mái chắn sóng thì dễ xẩy ra sóng biển có thể vào san phẳng thị trấn thi năm 1954 hay năm 2007.

Sự lo lắng của ông Dương cũng là tâm trạng chung của cấp ủy, chính quyền thị trấn Cát Hải. Ông Đoàn Đông, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Hải cho biết, từ chỗ người dân hi vọng, tin tưởng về Dự án gia cố đê, kè biển trên địa bàn rồi lại thất vọng, hoài nghi sau thời gian dài thi công Dự án. Hằng ngày người dân Cát Hải luôn hướng về cửa Lạch Huyện mà không biết bao giờ Dự án hoàn thành. Bởi, đối với người dân vùng trũng Cát Hải, tuyến đê kè bến Gót - Gia Lộc có tầm đặc biệt quan trọng, là bức tường thành che chắn cho cả thị trấn rộng lớn khi mùa mưa bão tràn về.

“Chúng tôi lo lắng vì mùa mưa bão đang đến gần. Tiến độ thi công rất chậm. Kè thì chúng tôi rất tin tưởng vào sự vững chắc của nó, nhưng tiến độ lâu như vậy thì từ chỗ nhân dân tin tưởng dẫn đến sự hoài nghi. Chính quyền địa phương cũng cho rằng đây thật sự là một nguy cơ…” ông Đông nói.

Làm việc với phóng viên VOV, ông Nguyễn Tâm Lai, Phó giám đốc Ban quản lý các Dự án đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng đưa ra rất nhiều nguyên nhân cho sự chậm trễ của công trình đê kè trọng điểm Cát Hải, mà chủ yếu là nguyên nhân khách quan. Ông Lai cho rằng, đây là loại kè lần đầu tiên thi công nên đơn vị thi công còn lúng túng. Trong khi đó, địa hình thi công trải dài, chật hẹp, xen vào khu dân cư.

Tuy nhiên thực tế tại công trường thì đã chứng minh điều ngược lại. Dự án gia cố đê, kè biển Cát Hải có không gian rộng rãi và không xen vào khu dân cư. Nguyên nhân nữa mà ông Lai lý giải cho sự ngổn ngang của Dự án là thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài những tháng cuối năm vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, có những lúc người lao động không thể làm việc.

Ông Nguyễn Tâm Lai nói: “Lượng đá ở đó ngày ít nhất cũng phải nhập được 700 khối đá, nhưng thực tế chỉ nhập được khoảng 300 khối. Trong khi đó nguồn vốn lại không được cấp đủ. Mà thực tế hiện nay nhu cầu hoạt động trên công trường cao, muốn có sắt thép, công nhân làm việc cũng phải có tiền”.

Tuy nhiên, cuối cùng ông Nguyễn Tâm Lai, cũng thừa nhận một nguyên nhân rất chính yếu đó là nhà thầu chưa thật sự quyết tâm, chưa tập trung chỉ đạo sâu sát, kiên quyết tại hiện trường; máy móc, thiết bị thi công thời gian đầu không đủ so với hồ sơ dự thầu; việc giao trách nhiệm của nhà thầu cho từng đơn vị trực tiếp thi công không cụ thể, rõ ràng. Nhà thầu tư vấn giám sát chưa thực hiện hết chức năng quy định về quản lý tiến độ và chất lượng…

Rõ ràng, việc chậm trễ của Dự án gia cố đê, kè biển Cát Hải, có nguyên nhân từ nhà thầu thi công là điều không phải bàn cãi. Đơn vị thi công và các ban ngành chức năng thành phố Hải Phòng cần có trách nhiệm hơn trước một công trình trọng điểm về phòng chống lụt bão, đặc biệt khi mùa mưa bão sắp về. Bởi, chừng nào các ban ngành chức năng thành phố còn “đủng đỉnh” thì người dân Cát Hải còn lo lắng, đợi chờ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên