Người dân mất đất do nạn cát bay, cát chảy

30 gia đình ở xã ven biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã phải bỏ nhà cửa chuyển đi nơi khác.  

Tỉnh Quảng Bình có 43 xã ven biển thuộc 4 huyện và thành phố với chiều dài bờ biển  hơn 116 km. Những năm gần đây, vùng bãi ngang ven biển của tỉnh này thường diễn ra nạn cát bay, cát chảy, bồi lấp ruộng vườn, nhà cửa khiến người dân mất đất, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất.

Hồng Thủy là xã miền biển của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có những nổng cát cao dài trải dọc bờ biển. Mấy năm gần đây, nạn cát bay cát chảy ngày một lấn sâu, lấp dần diện tích ruộng lúa trong xã.

Lũ cát ở Quảng Bình

Mỗi lần mưa to gió lớn, nước từ trên đồi cao đổ xuống kéo theo cát phủ khắp cánh đồng. Và sau mỗi lần như thế người dân phải tốn công xúc cát bồi lấp ruộng đồng.

Toàn xã Hồng Thủy hiện có khoảng 15ha đất nông nghiệp bị cát lấp, nhưng vì đất ít, người đông nên người dân phải canh tác trên cả đất ruộng bị cát bồi lấp.

Ông Phạm Cung, người dân ở Thôn Mốc Định, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, cứ sau mỗi mùa mưa lũ, cát trắng về vùi lấp cả vùng này. Từ chỗ đất đai màu mỡ nay trở thành đất hoang hóa. Sản xuất buộc người dân đầu tư rất nhiều nhưng năng suất rất hạn chế.

Đã có 30 gia đình ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh phải bỏ nhà cửa chuyển đi nơi khác vì không thể chống chọi với nạn cát bay, cát chảy. 100 hộ khác sống sát biển đành phải sống chung với nạn này.

Ông Mai Văn Buôi, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết: UBND huyện vừa chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khảo sát lại diện tích bị cát lấn chiếm và có định hướng đầu tư trồng cây chắn cát.

Từ bao đời nay, người dân ven biển tỉnh Quảng Bình vẫn trồng cây chắn cát, bám trụ. Những năm gần đây, rừng phòng hộ ven biển giảm dần, cây chắn gió cát cũng không còn nữa. Cuộc sống của người dân sống ven biển bãi ngang ở tỉnh Quảng Bình lại tiếp tục đối mặt với khó khăn do nạn cát bay, cát chảy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên