Người dân thấp thỏm sống dưới quả núi nứt
VOV.VN - Hàng nghìn mét khối đất đá có nguy cơ đổ ập xuống hàng chục hộ dân sinh bản Đông Pao 1, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Sau hoàn lưu bão số 2 hồi tháng 7 vừa qua, trên địa bàn bản Đông Pao 1, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu xuất hiện vết nứt núi rộng và kéo dài, khiến hàng nghìn mét khối đất, đá có nguy cơ đổ ập xuống hàng chục hộ dân sinh sống dưới ta luy âm. Thế nhưng, đến nay các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện việc di chuyển.
Bà Lò Thị Chay, người dân sinh sống ở đầu bản Đông Pao 1, ngay phía dưới điểm nứt núi cho biết: Mùa mưa vừa qua người dân ăn không ngon, ngủ không yên, đêm có mưa là phải thức. Dân bản đã lấy cát cho vào bao tải, đắp ngăn không cho nước, đất, đá vào nhà nhưng vẫn không thể ngăn được. Bây giờ đã ít mưa hơn, nhưng bà con trong bản không yên tâm vì vết nứt trên núi ngày một rộng và dài hơn.
Bà Chay nói: “Đến mùa mưa này chúng tôi lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Đêm mưa chúng tôi phải dậy để xem, lấy cát vào trong bao, cũng không ngăn nổi nước tràn trong nhà. Mong sao Nhà nước xem xét cho dân trong bản chuyển khỏi khu vực nguy hiểm”.
Ông Tao Văn Đa, Bí thư Chi bộ bản Đông Pao 1 kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp để di chuyển các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng. Sớm khắc phục hai con mương để cho bà con có nước tưới tiêu vụ chiêm xuân. Có chính sách đền bù một số diện tích ao cá không thể khắc phục được cho bà con.
Ông Nguyễn Kiên Chung cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến lượng đất đá trôi xuống ruộng lúa và ao của dân là do trôi từ ta luy sụt sạt xuống. Đến nay, vẫn chưa có phương án cụ thể nên người dân vẫn chưa cho đơn vị thi công hót sụt sạt ở vị trí này. Đơn vị kiến nghị Sở Giao thông – Vận tải và Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường sớm có phương án hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Công ty cũng đề nghị nghiên cứu kỹ địa chất, địa hình tại vị trí hình thành cung trượt để có phương án xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho người dân”.
Việc nứt núi, đe dọa tính mạng hàng chục hộ dân bản Đông Pao 1 được chính quyền xã Bản Hon khẳng định là do việc mở đường đi qua cánh rừng đầu bản. Quá trình thi công đã cắt chân núi, độ dốc mặt đường cao nên khi mưa to gây sói lở. Xã đã kiểm tra đồng thời vận động bà con tự nạo vét đất, đá ở kênh mương, ruộng để khôi phục sản xuất nhưng khối lượng đất, đá quá lớn không thể khắc phục.
Trong khi chờ đợi các cấp chính quyền và các ngành chức năng vào cuộc thì hiện nay hàng chục hộ dân nơi đây vẫn phải thấp thỏm sinh sống trong nỗi lo sạt núi. Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, mưa lũ đã làm 15 người chết, trong đó có những trường hợp đáng tiếc bị đất, đá sạt xuống vùi lấp dù đã được cảnh báo. Do vậy, việc cần làm ngay bây giờ là phải di chuyển gấp các hộ dân trong vùng nguy hiểm ở bản Đông Pao 1 đến nơi an toàn trước khi quá muộn./.