Người dân Thủ đô nhộn nhịp đón Tết Đoan ngọ
(VOV) - Dù bận rộn thế nào thì vào ngày 5/5 âm lịch, người dân thành phố cũng tranh thủ mua ít hoa quả, cơm rượu nếp đón tết "diệt sâu bọ".
Hôm nay (12/6), tức mùng 5/5 âm lịch, là ngày Tết Đoan ngọ (hay dân gian gọi là ngày tết “diệt sâu bọ”), ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đổ về các chợ để mua sắm lễ vật chuẩn bị cho bàn cúng. Là nét văn hóa đi sâu vào lòng người dân Việt từ bao đời nay, nên cứ đến ngày này, mọi người lại rộn ràng mua hoa quả, cơm rượu… mang về thắp hương cúng gia tiên và thần tài thần lộc.
Tại các chợ lẻ, lượng trái cây, hoa cúng nhích giá nhẹ so với ngày thường. Giá một số loại hoa ly, hoa hồng, cúc tăng nhẹ: hoa ly 10.000 đồng/1 cành, hoa hồng 25.000 đồng/10 bông. Một số sạp trái cây giá cũng tăng từ 5.000 -10.000 đồng/ kg so với ngày thường. Cụ thể: mận 50.000 đồng/1 kg, mãng cầu: 35.000 đồng/1 kg, vải 30.000 đồng/ 1 kg, dưa lê 20.000 đồng/kg...
Giá một số loại hoa ly, hoa hồng, cúc tăng nhẹ so với ngày thường |
Ngoài ra, cơm rượu nếp cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày mùng 5/5 âm lịch. Tại chợ Khượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), cơm rượu nếp thường 35.000 – 45.000 đồng/kg, cơm rượu nếp cẩm giao động từ 65.000 – 70.000 đồng/kg. Theo lý giải của nhiều người, sớm 5/5 âm lịch, khí trời chuyển giao đặc biệt, nếu dậy sớm, ăn chút trái cây, cơm rượu sẽ giúp thể trạng khỏe mạnh, mọi bệnh tật, muộn phiền trong cơ thể cũng biến mất.
Theo các tiểu thương, sức mua cơm rượu nếp năm nay yếu dù giá mặt hàng này không tăng so với năm ngoái |
Tuy vậy, các tiểu thương vẫn than thở sức mua năm nay yếu dù giá cơm rượu nếp không tăng so với năm ngoái. Chị Nguyễn Thị Đào - tiểu thương chị Khương Đình (Thanh Xuân) cho biết: “Như mọi năm, đến thời điểm này người dân mua cơm rượu rất đông, thế nhưng năm nay lượng người mua giảm hẳn. Phần vì mặt hàng này trở nên bão hòa, người bán thì đông hơn, trong khi lượng người mua không thay đổi, nên chúng tôi cũng không dám làm nhiều”.
Mặc dù hôm nay không phải là ngày nghỉ, nên chị Nguyễn Thị Mận (ngõ Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tranh thủ dậy sớm, đi chợ, chọn mua đồ thắp hương. Chị chia sẻ: “Đã thành tục lệ truyền thống, nên năm nào cũng vậy, tôi thường mua hoa quả, cơm rượu nếp để thắp hương, tạ ơn tổ tiên, cầu cho mọi người được khỏe mạnh, không bị ốm đau, bệnh tật”.
Cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày mùng 5/5 âm lịch |
Theo bà Sơn (85 tuổi, ở phố Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội), ngày Tết Đoan ngọ cũng thiêng liêng như lễ mừng năm mới, con cháu dù bận mấy cũng phải thu xếp công việc về quây quần tụ họp, xum vầy. Còn ở các vùng quê, người nông dân cùng nhau hướng tới trời đất, tổ tiên cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Chính vì vậy, trong cả làng, cả xã, gia đình nào dù khá giả hay bần hàn cũng đều chuẩn bị một cái Tết Đoan Ngọ thật chu đáo gồm nhiều thứ như: một nồi chè đậu đen, xôi nếp, cơm rượu nếp, một ít hoa quả đầu mùa như: vải, chuối, xoài, ổi…/.
Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương, tết giữa năm, tết giết sâu bọ… diễn ra vào ngày mùng 5/5 (Âm lịch). Đoan là bắt đầu, Ngọ hay Dương đều mang nghĩa là lúc giữa trưa, lúc nhiều dương khí. Ngọ cũng là tháng Năm (Âm lịch), khi mặt trời gần trái đất nhất, dương khí thịnh nhất.
Những ngày đầu tháng 5 đồng thời cũng là những ngày giao mùa, mùa nắng sang mùa mưa, lạnh sang mùa nóng. Trong nông nghiệp xưa, đây là những ngày giao vụ từ vụ Chiêm sang vụ Mùa. Những ngày này, các loài sâu bọ cũng bắt đầu sinh sôi nảy nở mạnh mẽ. Người ta truyền nhau nhiều tập tục văn hóa lễ hội, ăn uống, hái lá thuốc… để tạ ơn tổ tiên; cầu cho mùa màng bội thu, con người được khỏe mạnh, không bị ốm đau, bệnh tật, ma quỷ quấy phá.