Người lái xe cho vị vua cuối cùng của triều Nguyễn

Cụ là người đã lái xe chở vua Bảo Đại đến trao ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời Việt Nam vào ngày 30/8/1945.

Cụ Nguyễn Như Đào năm nay đã 94 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, tinh anh. Trong căn nhà tập thể ở đàn Xã Tắc (thành phố Huế), chúng tôi ngồi chăm chú  lắng nghe ký ức năm xưa của người lái xe cho vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam…

Người lái xe trong cung cấm

Cụ Nguyễn Như Đào có ông nội làm việc trong cung và cha là Nguyễn Như Sáng làm quan Thị vệ từ thời vua Khải Định. Tuổi thơ của Nguyễn Như Đào và những người em cũng vì thế mà trôi qua yên ả bên chốn cung đình.

Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Như Đào cũng được cha đưa vào cung làm thị vệ. Nhưng với vóc dáng khỏe mạnh, rắn chắc và thanh thoát nên được chọn học lái xe để phục vụ cho vua Bảo Đại. Đó là năm 1936, chàng thanh niên Nguyễn Như Đào mới 20 tuổi.

Cụ Nguyễn Như Đào kể rằng, ngày đó vua Bảo Đại có một đội xe toàn loại sang như: Ford, Packard, Cadillac... Nhà vua rất thích săn bắn nên thường hay Ngự đạo lên Đà Lạt, Buôn Mê Thuột. Mỗi lần đi, vua  chỉ mang theo vài cận vệ. Vua không thích ngủ dọc đường nên thường bảo lái xe chạy một mạch từ Huế lên Đà Lạt. Đến nơi, vua cưỡi voi vào rừng săn bắn. Buổi chiều vua thường đá bóng với đám thị vệ và lính, quan ở địa phương.

Cụ Nguyễn Như Đào – người lái xe cho vị vua cuối cùng của triều Nguyễn

Năm 1939, khi nhà Vua đi săn ở Buôn Mê Thuột, cũng vì ham mê đá bóng mà Vua đã bị gãy chân. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, Nguyễn Như Đào lái xe chở Vua về Sài Gòn băng bó tạm, sau đó Vua và Hoàng hậu Nam Phương đi máy bay sang Pháp để chữa trị, còn Nguyễn Như Đào đưa xe ô tô xuống tàu sang Pháp bằng đường thủy để phục vụ nhà vua. Sang Pháp, thế chiến thứ II đang nổ ra nên Nguyễn Như Đào và nhà vua chỉ ở được mấy tháng rồi về nước.

Cụ Nguyễn Như Đào vẫn còn nhớ như in ngày 30/8/1945, vì chính cụ Đào là người  chở vua Bảo Đại trên chiếc xe Nash đến Ngọ Môn để trao ấn, kiếm cho ông Trần Huy Liệu - Đại diện Chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào.

Cụ kể, chiều hôm ấy vua Bảo Đại mặc triều phục đại lễ gồm: chiếc Hoàng bào màu vàng, đội khăn vàng, đi giày cườm màu vàng. Khoảng chừng hơn 30 phút thì lễ tuyên thệ và trao xong ấn, kiếm, vua lặng lẽ rút lui về Điện Kiến Trung để nghỉ ngơi, trên ngực có đeo huy hiệu cờ đỏ sao vàng.

 Sau đó, vua Bảo Đại trở thành cố vấn cho Chính phủ cách mạng, còn gia quyến vẫn ở lại cung An Định. Cụ Đào tiếp tục lái xe cho gia đình cố vấn Vĩnh Thụy thêm một thời gian nữa. Và cũng chính cụ là người chở bà Nam Phương đi ủng hộ “Tuần lễ vàng” sau khi Cách mạng tháng Tám thành công.

Đi làm Cách mạng từ cung cấm

Giã từ những ngày chở vua đi săn bắn, người lái xe cho vị Vua cuối cùng của triều Nguyễn quay về với cuộc sống của một người dân bình thường. Tuy vậy, cũng chỉ 2 năm sau (năm 1947) cụ rời Huế đi theo Ủy ban kháng chiến Trung bộ, đóng quân tại Hà Tĩnh. Và ba người em của Nguyễn Như Đào gồm: Nguyễn Như Kỵ, Nguyễn Như Hùng, Nguyễn Như Quảng cũng từ giã những ngày làm lính thị vệ trong cung cấm để theo Cách mạng.

Theo kháng chiến, với kinh nghiệm của người đã từng lái xe nhiều năm cho vua Bảo Đại, Nguyễn Như Đào trở thành tay thợ bậc cao về xe quân dụng. Chính Nguyễn Như Đào là người đã tập hợp đưa toàn bộ máy móc, thiết bị ở Trường Kỹ nghệ Huế ra Hà Tĩnh - an toàn khu của ta, chuẩn bị vũ khí, phương tiện cho chiến trường Bình Trị Thiên.

Năm 1948, anh lính Nguyễn Như Đào được triệu tập ra miền Bắc chuẩn bị thành lập Cục Vận tải, trở thành người đào tạo lái xe cho các chiến sĩ cách mạng trong trường lái xe trong quân đội...

Cụ Đào cho biết, cuối năm 1950, chính cụ là một trong những người dẫn đầu qua biên giới Trung Quốc nhận các loại xe và vũ khí, quân dụng mà Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam đem về chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ và phục vụ cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Như Đào tiếp tục tham gia đào tạo lái xe cho chiến trường, nhiều lần lái xe trong các đoàn chi viện cho chiến trường miền Nam... Năm 1960 Nguyễn Như Đào chuyển sang làm ở Ủy ban Nông nghiệp Trung ương cho đến năm 1973 thì về hưu. Sau khi đất nước thống nhất, cụ trở về Huế, về với những kỷ niệm ngày xưa của một thời trai trẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên