Những loại hoa rất đẹp nhưng không nên trồng trong nhà
VOV.VN - Một số loại hoa tuy rất đẹp nhưng không phù hợp để trưng bày hay trồng trong nhà, nhất là những gia đình có người già và trẻ nhỏ.
Không gian sống lý tưởng không thể thiếu những chậu hoa, cây cảnh. Ngoài việc tô điểm thêm cho vẻ đẹp của ngôi nhà, cây cảnh còn giúp thanh lọc không khí, đem lại một không gian sống trong lành, giúp con người thư giãn, sảng khoái. Tuy nhiên, có một số loại hoa không nên trồng trong nhà nếu xét đến ảnh hưởng đối với sức khỏe.
Những loại hoa không nên trồng trong nhà
Không phải loài cây nào cũng làm cho môi trường sống trở nên trong lành, nhiều loại hoa có vẻ đẹp rất thu hút nhưng chứa độc tố, không thích hợp để trồng trong nhà. Theo tư vấn của bác sỹ Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) trên VnExpress, không nên đưa vào phòng những loại hoa cảnh sau. iệc trồng cây cảnh trong nhà giúp làm đẹp không gian sống, thanh lọc không khí nhưng cũng cần lưu ý để nhận biết một số loại cây có độc tuyệt đối không nên dùng để trồng trong nhà.
Xương rồng bát tiên
Xương rồng bát tiên còn có tên cây hoa bát tiên, cây hoa mão gai, tên khoa học là Euphorbia milii. Đây là loài thực vật có hoa thuộc họ Đại kích – Euphorbiaceae, nguồn gốc từ Madagascar.
Cây có nhiều giống loài, màu sắc (xanh, nâu đỏ, tím, ...), có nhựa mủ và gai chi chít trên thân. Những chiếc gai nhọn này có thể đâm vào tay gây trầy xước nếu không cẩn thận.
Bác sỹ Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo: "Nhựa mủ của cây sẽ gây bỏng rát tay khi tiếp xúc. Những người trồng cây cần đeo bao tay kỹ lưỡng và rửa sạch tay nếu lỡ dính phải. Đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ nên tránh trồng cây này".
Hoa trúc đào
Loại cây này có tên khoa học là Nerium oleander L thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, gồm acid hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin.
Y học cổ truyền và khoa học hiện đại đều khẳng định độc tính của trúc đào. Các triệu chứng ngộ độc trúc đào nhẹ gồm khó chịu, buồn nôn, chóng mặt. Nặng hơn, nạn nhân có thể tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu, có thể dẫn tới hôn mê và tử vong.
Do đó, mọi người không nên trồng trúc đào trong vườn nhà, đặc biệt tránh trồng cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào. Ngoài ra, bạn không nên để trẻ nhỏ chơi gần nơi trồng trúc đào, đề phòng trẻ nhặt hoa chơi và cho vào miệng.
Hoa huệ lily
Cái tên hoa huệ lily nghe rất thanh lịch và trang nhã, nhưng ít ai biết được rằng loại hoa xinh đẹp này lại chứa tinh thể calcium oxalate, có thể tạo ra các triệu chứng khó chịu nếu trẻ vô tình ăn vào hoặc chạm phải chất dịch từ cây này.
Dạ lan hương
Dạ lan hương cũng như các loại cây tỏa hương đậm vào ban đêm không phù hợp để đặt trong phòng. Loài cây này phát tán ra những phân tử mùi hương kích thích khứu giác mãnh liệt, có thể gây nguy hiểm đối với những người mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim.
Tương tự, những cây cảnh có mùi hương đậm như tùng bách cũng không nên đặt trong phòng ngủ.
Hồng môn
Toàn thân cây hồng môn đều có độc tố calcium oxalate và asparagine. Nếu chúng ta chỉ ngắm hoa hay chạm phải, những chất này không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và thú cưng có thể ăn phải và dù ăn bất kỳ bộ phận nào của cây, các triệu chứng bỏng rát họng, dạ dày và ruột cũng có thể xuất hiện. Lá hoặc hoa bị nát nếu chạm vào da sẽ dễ làm nổi ban và mụn nước.