Nuôi lợn rừng ở Tây Nguyên

Nuôi lợn rừng lai dưới tán rừng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình yên tâm với công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Với quỹ đất rộng, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp ở Tây Nguyên đang phát triển mạnh mô hình nuôi lợn rừng theo hình thức bán chăn thả. Nhờ vượt trội về chất lượng, thịt lợn rừng đã dần thay thế thịt lợn nhà trong hầu hết các bàn tiệc và bước đầu đi vào bàn ăn của nhiều gia đình. Điều này đang mở ra một hướng đi mới cho nông dân Tây Nguyên, nhất là đối với những hộ nhận khoán quản lý – bảo vệ rừng.

Bà Trần Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH H.T.T ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là một trong những người tiên phong trong việc lai tạo, nhân nuôi lợn rừng ở Đắk Lắk. Bà đã lai tạo thành công giống lợn rừng lai F4, tức là có 85% phẩm chất của lợn rừng tự nhiên. Giống lai này có những ưu điểm là sức đề kháng mạnh, chịu đựng kham khổ với môi trường chăn thả, ít dịch bệnh, chất lượng thịt tương đương lợn rừng tự nhiên, nhưng bản tính hoang dã đã giảm hẳn nên dễ quản lý. Hiện trang trại của bà Hương có khoảng 300 con lợn rừng lai lớn nhỏ và là nơi cung cấp con giống cũng như thịt lợn rừng thương phẩm cho nhiều nhà hàng ở thành phố Buôn Ma Thuột.

“Thị trường của tôi chủ yếu là các nhà hàng. Khi họ có nhu cầu gọi điện, nếu mua nhiều thì tôi chở ra, nếu ít thì họ tự vào bắt lấy. Không chỉ bán cho nhà hàng, những người ở địa phương họ biết nơi mình cung cấp nên nhiều người cũng tới mua. Ví dụ có đám cưới, hay có tiệc tùng người ta cũng vào mua nhưng phải đảm bảo chất lượng thịt”- Bà Hương cho biết.

Trên thị trường các tỉnh Tây Nguyên hiện nay, lợn rừng có giá cao gấp 3-4 lần thịt lợn nhà, nên dù chậm lớn, nuôi lợn rừng vẫn cho lợi nhuận cao.

Đàn heo rừng lai nuôi

Theo những người chăn nuôi giàu kinh nghiệm, trong 1 tháng đầu sau khi tách mẹ, ngoài các loại rau, củ quả, chỉ cần bổ sung cho mỗi lợn con khoảng 10kg cám tăng trọng. Sau đó, lợn được thả rông hoàn toàn và ăn tất cả các loại rau, củ quả, cỏ dại nên có thể tận dụng rất tốt nguồn thức ăn, tiết kiệm được tối đa chi phí. Sau khoảng 3 tháng rưỡi, khi lợn đạt 15-20kg có thể xuất bán. Trừ chi phí con giống, thức ăn, công chăm sóc có thể lãi hơn 2 triệu đồng/con.

Do thích nghi tốt với môi trường chăn thả, giá trị kinh tế cao, kháng bệnh tốt, lợn rừng lai đang được các nhà khoa học ở Khoa Nông Lâm- Trường Đại học Tây Nguyên ứng dụng vào các mô hình chăn nuôi dưới tán rừng. Tại xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, nhóm hộ Nông Trường Sơn, Nông Văn Hùng, Nông Thị Tầm đã được cấp giống lợn này để nuôi dưới tán rừng. Bước đầu, mô hình chăn nuôi này cho kết quả khả quan. Đàn lợn đã tận dụng rất tốt nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, khả năng sinh sản khá tốt. Mỗi năm lợn mẹ sinh 2 lứa, mỗi lứa khoảng 10 con và tỷ lệ sống đạt khoảng 75%.

Ông Nông Trường Sơn, người được hỗ trợ nuôi lợn rừng cho hay: “Nuôi lợn này rất dễ, không có gì khó khăn. Ăn uống, chi phí cho cũng rất đơn giản. Gạo, bắp, sắn, ngô khoai một con một ngày đầu tư khoảng 1 kg và cho thêm ít muối để lợn có sức đề kháng. Về mùa mưa, nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho thức ăn dồi dào”.

Các tỉnh Tây Nguyên đang gặp khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế của các mô hình giao rừng cho cộng đồng. Thành công hiện tại của việc nuôi giống lợn rừng lai có thể mở ra một hướng đi triển vọng để giải quyết khó khăn này. Nếu có cơ chế phù hợp, quản lý tốt, nuôi lợn rừng lai dưới tán rừng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình yên tâm với công tác quản lý, bảo vệ rừng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên