Phải tuân thủ quy trình xã lũ

Tổng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đề nghị các địa phương phải thực hiện đúng quy trình xả lũ để tránh thiệt hại như vừa qua xảy ra tại các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.

>> Sông Ba thấp thỏm đôi bờ

>> Lâm Đồng: Thêm 2 thủy điện thông báo xả lũ

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện phải tăng cường kiểm tra hồ đập, tuân thủ quy định vận hành liên hồ và từng hồ để tránh thiệt hại và tham gia giảm lũ cho hạ du. Đặc biệt chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và của địa phương về xả lũ, điều tiết hồ.

Liên quan đến tình trạng ngập lụt tại Phú Yên, ông Nguyễn Bá Lộc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiêm Trưởng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn cho rằng, thiệt hại của việc xả lũ do các hồ thủy điện tại Phú Yên gây ra hoàn toàn có thể tránh được nếu quy trình vận hành xả lũ và điều tiết hồ được thực hiện nghiêm túc. Hiện việc xả lũ đã được siết chặt và thực hiện theo đúng quy trình.

Hiện tại tỉnh Lâm Đồng, nhiều công trình thủy lợi và hồ thủy điện xin được xả lũ do mực nước trong các hồ tiếp tục dâng cao. Dự kiến, hồ thủy điện Đại Ninh sẽ xả lũ ngày 5/11, hồ thủy điện Đồng Nai 3 sẽ xả lũ ngày 11/11 tới…

Xả lũ phải thực hiện đúng quy trình tránh gây thiệt hại cho vùng hạ lưu

** Chiều 5/11, ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao nhiệm vụ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương xử lý nghiêm đối với tàu cá của ông Đỗ Văn Kha số hiệu QNg 9514 TS và tàu cá của ông Đỗ Văn Quang số hiệu QNg 5062 TS cùng ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Nguyên nhân hai tàu cá trên bị phạt là do tự ý vượt trạm kiểm soát để chở hàng hoá ra đảo Lý Sơn sáng 4/11 trong lúc sóng to, gió lớn bất chấp sự can thiệp của các lực lượng chức năng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm soát tại các khu vực cảng biển, kiên quyết không để tàu thuyền xuất bến khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép trong những ngày thời tiết trên biển còn diễn biến phức tạp.

** Mặc dù đã huy động lực lượng dọn đường nhưng đến cuối giờ chiều ngày 5/11, tuyến đường Đà Lạt – Nha Trang vẫn chưa thông xe. Nhiều phương tiện giao thông đành phải nằm chờ ở hai đầu đoạn đường bị tắc.

Các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý đường bộ của Lâm Đồng và Khánh Hòa đang huy động nhiều phương tiện như: máy ủi, máy xúc, xe tải…triển khai nhanh các biện pháp để dọn hàng nghìn m3 đất đá trên đường thuộc địa phận khánh Hòa. Chỉ riêng tại Km 48+ 800 hiện có đến khoảng 12.000m3 đất đá chưa dọn dẹp xong.

Những điểm đất trên đồi sạt đổ xuống đường, lực lượng dọn đường đã dùng xe ủi dọn đất và rửa đường để hạn chế sình lầy, trơn trượt. Có địa điểm đá lớn lăn xuống cản đường thì phải tiến hành nổ mìn phá đá. Hiện tại, trên tuyến đường này có một số đoạn bị nứt gãy, sụt lún đến một nửa chiều ngang của đường, có điểm nguy cơ đất đá trên đồi cao tiếp tục sạt xuống là rất lớn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên